Mở rộng dự án phát triển đàn bò sữa của tỉnh

11/06/2018 - 07:14

Chị Phạm Thị Tỷ đang chăm sóc đàn bò sữa.

Chị Phạm Thị Tỷ đang chăm sóc đàn bò sữa.

Cuối năm 2017, Dự án phát triển đàn bò sữa của tỉnh đã mở rộng tại địa bàn 2 huyện Ba Tri và Giồng Trôm với 19 xã tham gia dự án, 65 nhóm tương trợ và có 1.308 hộ với 2.424 bò nền (trong đó, có 1.160 bò sữa thuộc F1, F2, F3 sinh ra và nhập từ ngoài tỉnh). Hiện chỉ với 108 con bò (F2) đang cho sữa đã cho sản lượng 1,2 tấn sữa/ngày.

Dự kiến giữa tháng 6-2018, Trạm trung chuyển sữa tươi nguyên liệu Ba Tri - Bến Tre chính thức đưa vào hoạt động (sức chứa 3 tấn sữa/ngày, đặt tại xã An Bình Tây), người dân tham gia dự án rất phấn khởi thay vì bán cho Trạm thu mua sữa Vinamilk tại Tiền Giang như trước đây.

Khởi nghiệp từ bò sữa

Ông Võ Văn Tám - Chủ tịch Hội Nông dân (HND) huyện Ba Tri, thành viên Ban Quản lý dự án cho biết, giai đoạn đầu của dự án được triển khai trên địa bàn 6 xã của huyện. Trong đó, địa bàn xã An Bình Tây có số hộ tham gia nhiều nhất với 202 hộ, 646 con bò (hiện có 15 con bò đang cho sữa với 150kg/ngày). Quy mô chăn nuôi theo hộ gia đình từ 3 - 5 con. Theo phê duyệt mở rộng dự án phát triển đàn bò sữa của tỉnh, tính đến cuối năm 2017, địa bàn huyện được mở rộng thêm 10 xã. Như vậy, cùng với 3 xã Hưng Nhượng, Tân Thanh, Bình Thành của huyện Giồng Trôm, thì số xã tham gia dự án là 19 xã. Riêng tại Ba Tri, do dự án chọn thực hiện và người dân tích cực hưởng ứng ngay từ đầu nên tổng đàn bò sữa và bò đang cho sữa với sản lượng khai thác 1,2 tấn/ngày. Giá bán dao động từ 12 - 14 ngàn đồng/kg (do Trạm thu mua sữa Vinamilk tỉnh Tiền Giang thu mua).

 Cũng theo ông Tám, đến nay, quy mô chăn nuôi của nhiều hộ gia đình đã được nâng lên từ 5 - 10 con bò sữa thuộc thế hệ F2, F3. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư vốn để hình thành những gia trại, trang trại bò sữa quy mô từ 20 - 40 con. Cụ thể như hộ chị Phạm Thị Tỷ ở Ấp 4, xã An Phú Trung đã đầu tư 1 tỷ đồng để xây dựng trang trại, diện tích 1ha với 30 con bò sữa (chuồng trại 2.000m2, phần còn lại để trồng cỏ). Trong đó, có 4 con đang cho sữa và 12 con đang chuẩn bị sinh. Hộ anh Huỳnh Nam Trung ở ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Hòa cũng thành lập trang trại với 60 con bò sữa (đang cho sữa 12 con và 16 con chuẩn bị sinh).

Đem lại hiệu quả cao

Nói về hiệu quả kinh tế của dự án mang lại, anh Huỳnh Nam Trung cho rằng, một con bò sữa sẽ cho từ 13 - 17kg sữa/ngày, đối với bò sữa F2 (khai thác 2 lần/ngày, lúc 7 giờ sáng và 3 giờ chiều). Bò cho sữa liên tục trong 10 tháng. Quá trình sau 4 tháng cho sữa, bò cũng được phối giống bình thường; sau 10 tháng khai thác, thì 2 tháng sau là bò sinh và tiếp tục lấy sữa. Như vậy, với 12 con bò đang cho sữa, giá bán 14 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh Trung có thực lãi 1,2 triệu đồng/ngày. Còn tính một tháng thì hộ anh thu nhập ròng gần 40 triệu đồng. Hiệu quả này cao hơn nhiều lần so với chăn nuôi bò thịt và bò sinh sản.

Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hồ Văn Út cho biết thêm, từ hiệu quả thiết thực của hộ anh Huỳnh Nam Trung, đã có 5 hộ mạnh dạn đầu tư để nâng đàn bò sữa lên từ 5 - 10 con.

Chị Phạm Thị Tỷ và chồng chị là anh Nguyễn Thành Nam, xã An Phú Trung quyết định khởi nghiệp từ bò sữa sau khi đã được tham quan mô hình ở Sóc Trăng và trang trại bò sữa của Hoàng Anh Gia Lai. Anh Nam cho rằng, chỉ với 1 con bò sữa F2, nếu chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đáp ứng đủ khẩu phần thức ăn (cỏ và thức ăn chuyên dùng) thì sản lượng sữa sẽ rất cao, từ 17 - 20kg/ngày, cao nhất từ tháng thứ 4 (sau khi sinh). Còn nếu con F3 thì lượng sữa sẽ cao hơn nữa. Đáng chú ý là khâu chăm sóc và vệ sinh chuồng trại, đảm bảo sữa đạt chất lượng cao nhất thì sẽ bán được ở giá cao.

“Ngoài ra, nếu sinh ra bê đực thì chỉ sau 3 - 5 ngày là bán bê thui cũng có giá từ 1,5 - 2 triệu đồng/con. Hiện nay, trang trại của tôi phát triển đến khi đạt về số lượng đàn thì sẽ tuyển chọn bò sữa đẹp mới cho sữa, còn lại đầu tư sang bò sinh sản trên nền bò mẹ là bò sữa sẽ cho chất lượng, sản lượng thịt rất cao, bán giá cao hơn” - anh Nam nói.

Chủ tịch HND xã An Phú Trung Nguyễn Văn Bọ cho biết: Hộ anh Nam, chị Tỷ là người tiên phong, mạnh dạn khởi nghiệp để đầu tư chăn nuôi bò sữa với số lượng khá lớn. Đây sẽ là mô hình để nhiều hộ dân trong xã học hỏi và nhân rộng.

Tiến tới thành lập Hợp tác xã bò sữa

Dự án phát triển đàn bò sữa Bến Tre được triển khai thực hiện tại địa bàn huyện Ba Tri từ tháng 4-2015 (giai đoạn 2015 - 2019) do HND tỉnh làm Ban Quản lý dự án (tổng nguồn vốn của dự án hơn 98 tỷ đồng, trong đó, Tổ chức Heifer đầu tư không hoàn lại 18 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 18 tỷ đồng, phần còn lại từ nguồn vốn nhân dân).

Theo bà Trần Thị Tuyết Anh - Trưởng Ban điều phối Quỹ hỗ trợ nông dân (HND tỉnh), hộ dân tham gia dự án sẽ được hỗ trợ con giống theo hình thức chuyển giao (tức là trả lại cho dự án một con bê cái bằng với trọng lượng ban đầu); được hỗ trợ 5 triệu đồng để làm chuồng (không lãi suất), cho vay 15 triệu đồng với lãi suất 0,65% cho việc đầu tư ban đầu quy mô từ 3 - 5 con. Về công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đã mở 577 lớp chuyên đề kỹ thuật chăn nuôi bò sữa cho các nhóm tương trợ. Ban Quản lý dự án còn phối hợp với Công ty sữa Vinamilk và Công ty CJ Vina tổ chức hội thảo và cung cấp thức ăn cho bò sữa với giá giảm 30 ngàn đồng/bao 25kg.

Trong tháng 6-2018, khi Trạm trung chuyển sữa tươi nguyên liệu Ba Tri - Bến Tre đi vào hoạt động thì giá sữa cũng hứa hẹn được nâng lên cho người chăn nuôi. Theo ông Võ Văn Tám, trong năm 2018, sẽ xúc tiến việc thành lập Hợp tác xã bò sữa Ba Tri. Như vậy, cùng với thương hiệu Bò Ba Tri, bò sữa Ba Tri sẽ góp phần nâng cao giá trị gia tăng trong chăn nuôi bò và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện trên lĩnh vực chăn nuôi này.

Theo Ban Quản lý dự án tỉnh, trong năm 2018 sẽ tiếp tục vận động hộ dân mở rộng quy mô chăn nuôi lên từ 5 - 10 con. Đồng thời, để đẩy nhanh việc tăng đàn, trong quý II-2018 tiếp tục nhập 120 con bò sữa F2. Theo dự kiến, đến tháng 10-2018, sẽ có 107 con bê thế hệ F2, F3 được sinh ra.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN