Mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt

05/02/2020 - 07:26

BDK - Theo mục tiêu của Chính phủ, năm 2020, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM) phải chiếm trên 30% trên tổng phương tiện thanh toán trong cả nước. Tại tỉnh, việc triển khai thanh toán KDTM trong thời gian qua được người dân đồng tình hưởng ứng từ lĩnh vực thanh toán dịch vụ công đến thanh toán trong tiêu dùng, các nhu cầu giao dịch hàng ngày.

Khách hàng sử dụng mã để thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm tại siêu thị.

Khách hàng sử dụng mã để thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm tại siêu thị.

Từ các dịch vụ công

Các chi nhánh ngân hàng đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và cung ứng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần thiết phục vụ thanh toán KDTM. Tính đến cuối tháng 12-2019, có 29 chi nhánh, 69 phòng giao dịch và 132 ATM, 535 POS phân bổ khắp các huyện, thành phố trong tỉnh, kể cả vùng nông thôn. Các ATM hoạt động 24/24 giờ trong ngày. Có 625.680 thẻ ATM đang hoạt động. Các POS được lắp đặt tại nhiều cơ sở kinh doanh. Để giúp người dân ở nông thôn dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh (Agribank tỉnh) đã triển khai các điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng với nhiều tiện ích.

Toàn tỉnh có 293/330 cơ sở giáo dục công lập, 2 trường cao đẳng, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, Công ty Điện lực Bến Tre, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Bến Tre, Công ty cổ phần Công trình đô thị Bến Tre công khai số tài khoản, xây dựng kế hoạch, phương án, đề án cũng như tuyên truyền, vận động người dân thực hiện thanh toán KDTM. Các chi nhánh ngân hàng thương mại/tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên địa bàn đã liên kết, ký hợp đồng với các công ty điện, nước, trường học, bệnh viện… để thu tiền điện, nước, học phí, viện phí KDTM.

Công ty Điện lực Bến Tre đã mở rộng triển khai thực hiện việc ngưng thu tiền điện tại nhà, áp dụng nhiều hình thức thanh toán tiền điện KDTM như: thanh toán qua ngân hàng, thanh toán trực tuyến trên Website Chăm sóc khách hàng, qua các ứng dụng ví điện tử hoặc các cửa hàng tiện ích của các tổ chức trung gian thanh toán (Viettel, Airpay, Payoo, VNPay, ECPay, ZaloPay…) và phối hợp với các đối tác thu hộ, triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, truyền thông.

Trên địa bàn TP. Bến Tre, cuối năm 2019, có 95,5% giao dịch nộp thuế được thực hiện qua ngân hàng (chỉ tiêu là 80%); 95,7% số tiền điện được thanh toán qua ngân hàng (chỉ tiêu là 70%); 8,3% cá nhân, hộ gia đình trên thực hiện thanh toán tiền nước qua ngân hàng (chỉ tiêu là 50%).

293/330 cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh chấp nhận thanh toán học phí KDTM (chỉ tiêu là 100%); 100% trường cao đẳng chấp nhận thanh toán học phí qua ngân hàng và 42,5% sinh viên tại các trường cao đẳng nộp học phí qua ngân hàng (chỉ tiêu là 80%)...

Hiện Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu đã triển khai thu viện phí KDTM. Các cơ sở khám chữa bệnh khác đang phối hợp với các tổ chức tín dụng để triển khai thực hiện (chỉ tiêu là 100%). Có 2 chỉ tiêu còn lại (100% Kho bạc Nhà nước tỉnh có thiết bị chấp nhận thẻ ngân hàng phục vụ việc thu ngân sách nhà nước và 20% số tiền chi trả an sinh xã hội tại địa bàn thành phố qua ngân hàng) vẫn chưa triển khai thực hiện.

Hướng đến hình thành quốc gia số

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lê Công Thành cho rằng: Muốn thanh toán KDTM, việc đầu tiên phải có tài khoản tại ngân hàng. Việc thanh toán, giao dịch, chuyển khoản có thể thực hiện bất cứ nơi đâu, khi nào một cách nhanh gọn mà không lo sợ các rủi ro như đối với tiền mặt; người sử dụng có thể thực hiện giao dịch liên thông giữa các ngân hàng.

Hướng đến hình thành quốc gia số, từ việc mua cây kim, sợi chỉ, bó rau ngoài chợ, người dân cũng sẽ thanh toán KDTM. “Thời gian tới, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền vận động cho khách hàng hiểu và cung ứng dịch vụ thanh toán KDTM đến người dân một cách rộng khắp, đến các vùng nông thôn”, ông Lê Công Thành nhấn mạnh.

Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều quy định, nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi hơn trong việc triển khai thanh toán KDTM từ trung ương đến địa phương. Việc thanh toán KDTM không còn quá khó khăn, rườm rà, bất tiện như nhiều người nghĩ. Chỉ cần 1 chiếc điện thoại di động thông minh (smartphone) hoặc Ipad, Laptop được kết nối Internet và một tài khoản ngân hàng, bất kể ở thành phố hay vùng nông thôn, người dân có thể thanh toán các chi phí như: thuế, điện, nước, học phí, viện phí, vé máy bay, vé tàu, đặt phòng khách sạn… nhanh chóng và dễ dàng thông qua nhiều hình thức thanh toán như: trích nợ tự động, SMS & Mobile Banking, Internet Banking, quét mã QR, ủy nhiệm thu/ủy nhiệm chi, thanh toán qua POS (khách hàng mở thẻ ATM), Bankplus, qua các app…

Ngoài ra, khách hàng còn có thể thực hiện chuyển tiền 24/7, nạp tiền (điện thoại, thẻ game, ví điện tử), gửi/rút tiền tiết kiệm, mua sắm trực tuyến, các tính năng dịch vụ thẻ (truy vấn thông tin, khóa/mở khóa thẻ/kích hoạt lại PIN, kích hoạt/hủy kích hoạt tính năng thanh toán trực tuyến…) với độ bảo mật, an toàn ngày càng cao.

“Mỗi người dân nên mở tài khoản tại ngân hàng và tài khoản phải có số dư để sẵn sàng thanh toán mọi lúc mọi nơi. Các ngân hàng không ngừng cải tiến sản phẩm dịch vụ và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, chỉ mất khoảng 1 - 2 phút là khách hàng đã có thể đăng ký thành công”, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lê Công Thành cho biết thêm.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN