Mối đe dọa từ sạt lở bờ sông, bờ biển, bài 2: Công tác phòng, chống và ứng phó

26/09/2018 - 09:32

BDK - Trước tình hình diễn biến phức tạp của sạt lở và báo động triều cường trên các sông, chính quyền địa phương chủ động dự báo, tuyên truyền người dân tại khu vực nguy cơ chủ động ứng phó với tình hình sạt lở có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Sạt lở bờ sông khu vực cồn Tân Bắc, xã Tân Phú (Châu Thành). Ảnh: P. Hân

Sạt lở bờ sông khu vực cồn Tân Bắc, xã Tân Phú (Châu Thành). Ảnh: P. Hân

Ngăn chặn “cát tặc”

Tại cồn Tân Bắc, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, hàng năm, chính quyền xã và người dân tìm cây, đá xanh để che chắn sóng. “Phương pháp thủ công không thể đảm bảo nên tình trạng sạt lở ngày một nghiêm trọng. Xã cũng đã họp dân để tìm và thống nhất đề ra giải pháp kè đá hoặc lăn đê để khắc phục. Do nguồn kinh phí của địa phương không đảm bảo thực hiện, xã đã kiến nghị về UBND huyện hỗ trợ để tránh thiệt hại về tính mạng và tài sản khu vực cồn Tân Bắc”, Chủ tịch UBND xã Tân Phú Trần Hoàng Liêm cho biết.

Bên cạnh đó, xã Tân Phú thành lập 2 tổ phòng, chống khai thác cát trái phép, mỗi tổ có 13 thành viên là người dân của địa phương. Hàng ngày, lực lượng chia nhau theo dõi, kịp thời nắm thông tin, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Từ đó, góp phần hạn chế tình trạng sạt lở tại khu vực.

Từ cuối tháng 4-2018 đến nay, xã Vĩnh Bình (Chợ Lách) cũng đã thành lập 3 tổ tuần tra tại ấp Phú Đa (cồn Phú Đa) với 21 thành viên, ấp Hòa Thuận (12 thành viên) và ấp Phú Hòa (10 thành viên). Các thành viên là người dân sinh sống và có đất cặp đê bao ven sông. Khi phát hiện tàu, ghe khai thác cát, thành viên của tổ báo ngay cho lực lượng chức năng để hỗ trợ xử lý. Tổ xử lý khai thác cát trái phép của xã gồm các lực lượng công an xã, quân sự, dân phòng. Ông Đào Văn Trong - Bí thư Chi bộ ấp Phú Đa nói: “Bà con rất bức xúc trước tình trạng khai thác cát trái phép trên sông của các phương tiện. Vì vậy, khi vận động vào tổ tuần tra tự nguyện, bà con tích cực tham gia”. Được biết từ khi thành lập, các tổ đã báo về xã hơn 20 vụ việc để xã kịp thời xử lý.

Các tổ tuần tra tự nguyện của nhân dân các ấp đã phối hợp chặt chẽ với đội tuần tra của xã để tuần tra, cảnh giác thường xuyên. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay của lực lượng là chưa được trang bị đầy đủ phương tiện để phục vụ công tác tuần tra. “Hiện đội tuần tra của xã phải thuê đò du lịch của người dân để tuần tra hàng đêm. Điều này cũng làm cho các đối tượng nắm được quy luật hoạt động, canh khi nước cạn, đò của mình không ra kịp để tẩu thoát”, ông Đoàn Hữu Đức - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình cho biết.

Đại diện người dân, ông Đào Văn Trong cũng mong mỏi các đội tuần tra tại ấp được trang bị phương tiện tại chỗ để có thể phát hiện, thông báo kịp thời cho lực lượng chức năng, ngăn cản hành vi của các đối tượng.

Một người dân tại Phú Đa phản ánh: “Đoạn sông này giáp giới với tỉnh Vĩnh Long, các đối tượng bơm hút cát trong đêm nên nhiều khi mình không phát hiện. Khi thấy đối tượng áp sát gần bờ bên mình bơm hút cát, mình lên tiếng thì bị họ chửi bới. Các đội tuần tra tại chỗ chưa có phương tiện nên nhiều lúc không xử lý kịp, do chỉ bơm hút khoảng nửa tiếng là họ rời đi, đội của xã mình ra tới nơi thì các phương tiện đã tẩu thoát hoặc rút về phía bờ bên tỉnh khác nên mình không xử lý được”.

Ông Phan Văn Thắng - Trưởng ấp Phú Đa nhận xét: “Chế tài của chúng ta hiện nay chưa đủ sức răn đe các đối tượng. Hiện chỉ mới căn cứ số lượng cát trên ghe để xử lý chứ chưa có biện pháp tịch thu phương tiện. Giải pháp chủ yếu chỉ là xua đuổi và nâng cao tinh thần cảnh giác, bảo vệ đất của bà con địa phương”.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng cho biết, thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp cấp bách để xử lý sạt lở nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và hạn chế thiệt hại do sạt lở. Cụ thể, tỉnh đã tổ chức di dời dân ra khỏi khu vực đã và đang có nguy cơ cao bị sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng. Thực hiện cắm biển báo khoanh vùng khu vực đang có diễn biến sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai. Đồng thời, tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để xử lý, gia cố tạm thời khi có sự cố. Ngay thời điểm xảy ra sự cố sạt lở, các ngành, các cấp, địa phương đã khẩn trương kịp thời ứng phó nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản; huy động lực lượng, phương tiện vật tư để xử lý sạt lở khẩn cấp.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng, xử lý khắc phục sạt lở phải mất nhiều kinh phí và cần nghiên cứu đưa ra giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, với nguồn lực của tỉnh chỉ đáp ứng để giải quyết được phần nhỏ các sự cố sạt lở bờ sông, bờ biển, chủ yếu là thực hiện các biện pháp gia cố xử lý tạm thời nhằm hạn chế thiệt hại.

Tại hội thảo triển khai thực hiện thí điểm các công trình phòng, chống xói lở bờ biển tại tỉnh vừa qua, các chuyên gia đã bàn nhiều giải pháp để tỉnh khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển. Theo đó, giải pháp kè mềm được đưa ra với mục tiêu không chỉ ngăn xói lở bờ biển mà còn thân thiện với môi trường, góp phần trả lại cảnh quan tự nhiên ở bờ biển. Hiện nay, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với Công ty cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng lập hồ sơ dự án. Sau khi thống nhất sẽ trình Trung ương, khả năng triển khai thực hiện trong năm 2018.

Giải pháp kè mềm

* Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn: Sau thời gian tập trung nghiên cứu, tiến hành khảo sát thực địa, cũng như theo dõi quá trình gây ra hiện tượng xói lở bờ biển tại các địa phương, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã phối hợp với Công ty cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng, Công ty ACE Geosynthetics Đài Loan và các nhà khoa học phát triển ý tưởng, giải pháp phòng, chống xói lở. Tổng cục phối hợp với Bến Tre thực hiện thí điểm công trình phòng, chống xói lở bờ biển trên địa bàn huyện Thạnh Phú.

* PGS.TS Trịnh Công Vấn - Viện trưởng Viện Đổi mới công nghệ thủy lợi Mekong thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - đơn vị tư vấn cho Công ty cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng: Sắp tới, công ty sẽ thực hiện thử nghiệm giải pháp bảo vệ bờ biển chống sạt lở cho khu vực cồn Bửng bằng giải pháp mềm, thân thiện với môi trường và chi phí thấp.

Trong đó, dự án sẽ sử dụng vải địa kỹ thuật (tấm vải có tính thấm, khi sử dụng lót trong đất có khả năng phân cách, lọc, bảo vệ, gia cường và thoát nước) và cát tại chỗ để tạo thành thảm cát có đường kính ống cát khi bơm khoảng 45cm. Thảm cát này làm nhiệm vụ bảo vệ không có hố xói sâu do sóng khoét sâu vào phía bờ; thảm này được kéo lên cao trình + 0,50m và được neo giữ bằng các bao neo thảm dọc theo tuyến bờ. Đồng thời, có thể trồng rau muống biển - loại cây ở địa phương phát triển nhanh sẽ che phủ và bảo vệ vải địa kỹ thuật.

Ngoài ra, kết cấu hỗ trợ tiêu giảm sóng và gây bồi với các mỏ hàn bằng ống cát được thiết kế hình chữ T với các ống cát loại một hướng vuông góc với bờ biển. Đây là giải pháp mềm được nghiên cứu để phù hợp với điều kiện của địa phương sẽ bảo vệ bờ biển không sạt lở tiếp và gây bồi tạo bãi cát. Mục tiêu của dự án là bảo vệ bờ biển khu vực cồn Bửng, xã Thạnh Hải, không sạt lở tiếp.

* Phó tổng giám đốc Tập đoàn ACE Geosynthetics, Jamine Chiang: Giải pháp đưa ra là bảo vệ bờ biển bằng kè mềm với giá chỉ bằng 35% so với cách làm truyền thống. Theo đó, sẽ giữ lại các doi cát ngoài bờ biển giúp bờ biển bồi lấp và khôi phục lại diện tích đã mất. Những túi cát bằng vải được bơm đầy cát và có cọc để giữ cố định tạo thành bờ đê bảo vệ bờ biển với 95% là vật liệu tại chỗ.

T. Đồng - Ph. Hân - C. Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN