Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Phước kiểm tra tình hình phòng, chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại huyện Thạnh Phú vào sáng 16-9-2016; cùng đi kiểm tra có Giám đốc Sở Y tế Ngô Văn Tán và lãnh đạo một số trung tâm trực thuộc sở.
Huyện Thạnh Phú đang đứng đầu cả tỉnh về SXH với 459 ca,
trong đó có 17 ca SXH Dengue nặng. Tính đến ngày 11-9-2016, xã Hòa Lợi có số ca
SXH nhiều nhất huyện (74 ca), kế đến là Thạnh Hải (70 ca); Hòa Lợi có 27 ổ dịch
nhỏ, Thạnh Hải 24 ổ dịch nhỏ. Các xã có số ca SXH cao gấp nhiều lần so với cùng
kỳ năm 2015 gồm: Hòa Lợi, Thạnh Hải, Mỹ An, Giao Thạnh, An Điền, Thạnh Phong,
Quới Điền và Tân Phong.
Ông Đào Công Thương - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết,
những khó khăn cũng là nguyên nhân dẫn đến số ca SXH nhiều là ý thức phòng bệnh
trong nhân dân còn hạn chế (còn chủ quan, lơ là trong diệt lăng quăng, diệt muỗi
tại gia đình; có thói quen trữ nước nhưng không đậy kín vật dụng chứa nước).
Vai trò tham mưu của ngành y tế đối với ban chỉ đạo các cấp còn hạn chế. Việc
phối hợp phòng, chống dịch giữa ngành y tế với các ban, ngành, đoàn thể, UBND
các xã, thị trấn chưa chặt chẽ. Ban chỉ đạo các xã chưa thật sự quyết liệt
trong công tác phòng, chống bệnh SXH; chưa huy động được sức mạnh của cả hệ thống
chính trị vào cuộc để phòng, chống dịch bệnh này.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Phước chỉ đạo lãnh đạo
cấp huyện, xã phải quyết liệt hơn nữa và tìm cách giải quyết ngay bệnh SXH đang
hoành hành trong huyện. Hơn bao giờ hết, các ngành, các cấp từ huyện đến xã phải
có biện pháp, mạnh tay hơn nữa trong việc diệt lăng quăng, diệt muỗi. Ban chỉ đạo
cấp huyện phải có thành viên là đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo; cấp xã phải
mời hiệu trưởng các trường làm thành viên. Đoàn thể từ huyện đến xã phải phối hợp
đồng bộ với nhau trong phòng, chống bệnh SXH; đặc biệt, phụ nữ đóng vai trò
chính trong diệt lăng quăng, diệt muỗi. Nhà trường phải phối hợp ngành y tế để
tuyên truyền cho học sinh rõ về tác hại của bệnh SXH. Dùng hình ảnh trực quan
sinh động, dùng loa phóng thanh để tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của
người dân về phòng, chống bệnh SXH..., phải làm cho mọi người từ lớn đến nhỏ
luôn nhớ câu: “Không có lăng quăng là không có bệnh SXH”. Mọi người, mọi nhà phải
hưởng ứng tích cực để dừng lại và kéo giảm số ca SXH, nhất là không để xảy ra tử
vong do SXH.