
Một góc Cụm công nghiệp Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm.
Hiện UBND tỉnh đã có công văn ban hành ngày 13-12-2021 về việc gửi Bộ TN&MT báo cáo hiện trạng môi trường không khí tỉnh Bến Tre năm 2021. Báo cáo này nhằm cung cấp các thông tin về hiện trạng và diễn biến môi trường của tỉnh, nguyên nhân gây ô nhiễm và tác động của chúng tới sức khỏe con người, kinh tế xã hội, hệ sinh thái và môi trường tự nhiên. Qua đó, làm căn cứ để ngành chức năng, UBND tỉnh đề xuất phương hướng và giải pháp xử lý hiện trạng và bảo vệ môi trường trong thời gian tới.
Theo đó, thời gian quan trắc từ tháng 1 đến tháng 12-2021, số lượng 27 điểm quan trắc trên địa bàn 9 huyện, thành phố thuộc tỉnh Bến Tre. Chất lượng môi trường không khí xung quanh trong năm 2021 được đánh giá qua các thông số: Tổng bụi lơ lửng, O3, CO, SO2, NO2. Với các khu vực quan trắc bao gồm không khí khu vực trung tâm đô thị, chợ, thị trấn; không khí khu vực làng nghề truyền thống; không khí khu vực khu, cụm công nghiệp; không khí gần khu vực bãi rác tập trung và không khí khu vực cảng. Kết quả quan trắc được so sánh với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh QCVN 05:2013/BTNMT.
So sánh kết quả quan trắc trong năm 2021 với QCVN 05:2013/BTNMT, kết quả quan trắc cho thấy, chất lượng không khí khu vực trung tâm đô thị, chợ, thị trấn của tỉnh tương đối tốt, luôn nằm trong mức cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT. Tuy nhiên, một số nơi nồng độ tổng bụi lơ lửng, NO2 và O3 trong không khí khá cao. Cụ thể 5/14 điểm quan trắc có nồng độ tổng bụi lơ lửng và 7/14 điểm quan trắc có nồng độ NO2 vượt quy chuẩn. Nguyên nhân các điểm trên vượt mức cho phép là do các vị trí quan trắc nằm ở những nơi có mật độ tập trung dân cư và phương tiện giao thông qua lại đông đúc, kết cấu hạ tầng giao thông chưa tốt và yếu tố môi trường khách quan như gió kéo theo bụi vào không khí. Bên cạnh đó, đáng chú ý tại vị trí KK-15 (trước chợ Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm) cả 3 đợt quan trắc đều vượt mức cho phép, do khu vực này đang có hoạt động cải tạo nâng cấp mặt đường, làm cống thoát nước, vỉa hè.
Kết quả quan trắc chất lượng không khí tại khu vực làng nghề truyền thống (gồm cơ sở sản xuất than thiêu kết tại xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm và cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa tại xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam) cho thấy, đã bị ô nhiễm tổng bụi lơ lửng, bụi phát sinh trong quá trình sản xuất than và chỉ xơ dừa, sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng môi trường không khí xung quanh.
Qua kết quả quan trắc tại 3 khu, cụm công nghiệp (gồm Khu công nghiệp An Hiệp, Khu công nghiệp Giao Long và Cụm công nghiệp Phong Nẫm) trên địa bàn tỉnh Bến Tre cho thấy, chất lượng không khí tại các vị trí này rất tốt, luôn nằm trong QCVN 05:2013/BTNMT, từ đó cho thấy công tác quản lý chất lượng môi trường tại các khu, cụm công nghiệp được quản lý tốt và hiệu quả.
Những tồn tại, thách thức trong công tác quản lý môi trường không khí hiện nay trên địa bàn tỉnh được nhận định như sau: Hầu hết các bãi chôn lắp rác đều bị quá tải, gây ô nhiễm. Công nghệ xử lý khí thải than thêu kết có chi phí cao, hiệu quả không cao. Một số cơ sở sản xuất có chủ động cải tạo hệ thống xử lý khí thải nhưng vẫn chưa xử lý khí đạt quy chuẩn kỹ thuật. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, công tác kiểm tra lấy mẫu phân tích bị hạn chế.
Qua đánh giá các thông số tổng bụi lơ lửng, O3, CO, SO2, NO2, báo cáo hiện trạng môi trường không khí tỉnh Bến Tre năm 2021 có kết luận: Môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Bến Tre năm 2021 có chất lượng khá tốt, đa số các thông số quan trắc có giá trị trung bình nằm trong giới hạn cho phép quy định tại QCVN 05:2013/BTNMT, chưa phát hiện các vấn đề ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng.
Tin, ảnh: Phương Khê