Mòn mỏi chờ thi hành án để được quyền nuôi dạy con

14/10/2016 - 07:23

Thân hình gầy còm, hốc hác, trông chị già nua hơn nhiều so với cái tuổi 35, cả buổi trò chuyện chỉ là những giọt nước mắt thường trực chứ không thể nở nổi một nụ cười. 

Tất cả chỉ vì lòng nhớ thương đứa con đứt ruột sinh ra nhưng đã hơn 2 năm qua không một lần thấy mặt, do người chồng ngăn cấm. Đó là chị T.T.P.Th., giáo viên một trường tại huyện Giồng Trôm. Gần 1 năm qua, chị P.Th. gõ cửa mọi cơ quan chức năng của tỉnh để hy vọng bản án mà Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh tuyên ngày 17-8-2015 (24/2015/HNGD-PT) buộc chồng chị là anh Đ.H.N., sinh năm 1981 giao bé Đ.H.A., sinh năm 24-10-2013 (con chung của 2 người) cho chị nuôi dưỡng, chăm sóc đến năm 18 tuổi, anh N. được quyền thăm con, chăm sóc con bất cứ khi nào.

Chị Th. cho biết, trên thực tế từ năm 2014, do những mâu thuẫn không thể hàn gắn nên chị đã đề nghị ly hôn. Và từ khi chị gửi đơn đã bị anh N. tước quyền gặp mặt con đến tận ngày hôm nay. “Nhiều khi nhớ con đứt ruột, tôi phải bỏ bê công việc để về bên nhà chồng nhìn mặt con nhưng bị đuổi ngay từ ngoài cửa. Nghe tin ai báo con tôi gửi ở chỗ này, chỗ kia tôi lật đật chạy đến chỉ mong được nhìn thấy mặt con một lần nhưng không gặp. Dù đã có đơn gửi đến Chi cục Thi hành án (THA) huyện Giồng Trôm, Cục THA tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh… cầu cứu nhưng vẫn không có kết quả gì” - chị Th. kể. Cùng với đó, chị Th. lo ngại nếu anh N. cố tình kéo dài đến khi bé A. đủ 36 tháng tuổi thì quyền nuôi con của chị trở nên mơ hồ hơn nữa.

Bà Hoàng Thị Hương - Chi cục phó Chi cục THA dân sự huyện Giồng Trôm thừa nhận, việc thi hành quyết định của tòa án về quyền nuôi con cho chị T.T.P.Th. đang gặp khó khăn. Từ khi bản án có hiệu lực, Chi cục THA dân sự huyện đã tống đạt các quyết định, văn bản về THA hợp lệ. Đồng thời đã triệu tập và mời ông N. đến làm việc nhưng ông N. không chấp hành. Chấp hành viên đến tận nhà nhưng gia đình của ông N. đều vắng nhà, khóa cửa đi đâu không ai rõ nên không trực tiếp làm việc với ông N. được.

“Ông N. có hộ khẩu thường trú ở xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm nhưng buôn bán điện thoại di động ở một xã khác nên phía Công an xã này cũng khó làm việc mặc dù chúng tôi đã liên hệ nhờ hỗ trợ. Ngoài ra, tất cả những việc cần làm trong khâu vận động ông N. và gia đình đều đã thực hiện nhưng vẫn không nhận được sự hợp tác. Đối tượng của việc THA là một đứa trẻ tuổi còn quá nhỏ mà giữa người được và người phải THA đều là cha, mẹ của đứa trẻ nên nếu áp dụng biện pháp cưỡng chế THA sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý trẻ em” - bà Hương nói.

Bà Hương cũng cho biết: Xét thấy ông N. buôn bán xa nhà, thường xuyên phải gửi con cho người khác chăm sóc, trong khi chị Th. có nghề nghiệp, thu nhập ổn định, quan điểm của chúng tôi, chính quyền và đoàn thể chính trị địa phương đều thống nhất vào ngày 13-10-2016 bắt đầu các bước để áp dụng biện pháp mạnh để THA  theo Điều 120 Luật THA dân sự hiện hành. Tuy nhiên, việc vận động vẫn được ưu tiên thực hiện trước”.

Điều 120 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THA dân sự năm 2014 quy định về cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định:

1. Chấp hành viên ra quyết định buộc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định. Trước khi cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, Chấp hành viên phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương đó thuyết phục đương sự tự nguyện THA.

2. Trường hợp người phải THA hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện thì chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.

Phương Bình

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN