Một doanh nghiệp có nhiều sáng tạo kỹ thuật

11/02/2014 - 17:00
Máy in hóa đơn giá trị gia tăng. Ảnh: T.D

Tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IV, Ban Tổ chức đã chọn ra 26 giải để khen thưởng và chọn tặng giấy khen cho 6 đơn vị có thành tích tích cực tham gia và có nhiều giải pháp tham gia hội thi đạt kết quả cao. Trong đó có Công ty Cổ phần in Bến Tre.

Đó là giải nhì của tác giả Trần Trung Danh với đề tài Ứng dụng 4 sáng kiến cho một sản phẩm. Thực tế, tại Công ty thường nhận in và gia công sách cho khách hàng hay in cho các nhà xuất bản, trong đó có sách bìa mềm, bìa cứng. Tuy nhiên, hiện nay sách bìa cứng được sử dụng nhiều hơn vì sử dụng được lâu dài, đồng thời tăng tính thẩm mỹ và giá trị của sách. Để hoàn thành được bìa cứng có chất lượng, phải thực hiện qua nhiều khâu, đa số dùng phương pháp thủ công. Từ yêu cầu bức xúc đó, Công ty đã ứng dụng giải pháp 4 sáng kiến cho một sản phẩm nhằm thay thế lao động thủ công để tạo ra sản phẩm mang dáng công nghiệp, có tính thẩm mỹ cao.

Đó là chế tạo bộ khung tròn ép gáy sách bìa cứng với nhiều kích cỡ khác nhau để đa dạng hóa các sản phẩm cần sử dụng bằng kim loại lắp vào máy cấn hàng ngang vận hành theo nguyên lý phi thủy lực và có điều chỉnh nhiệt độ để định hình. Chế tạo dụng cụ cắt dây vải ngăn trang sách hình đuôi cá giúp năng suất làm việc sẽ tăng gấp 4 lần so với thực hiện thủ công. Thiết kế kẻ khung in mặt sau bìa để định vị bìa carton của bìa sách là thiết kế khung kẻ theo kích thước của bìa quyển sách và cho máy in ở mặt sau của bìa khi dán tờ carton vào phía sau của bìa sẽ chính xác hơn và đạt yêu cầu về năng suất và kỹ thuật. Sáng kiến này khi áp dụng đạt năng suất gấp 3 lần so trước đây và cũng đạt các tiêu chuẩn khác như tính chính xác, đảm bảo kỹ thuật, thẩm mỹ.

Cải tiến phương pháp vô bìa bao cho quyển sách khắc phục được tình trạng khi bao bìa bị rộng hay chật, không bị hao hụt bìa do vận hành máy cấn và không tốn công lao động khi qua công đoạn vận hành máy cấn bìa. Giải pháp này giúp công nhân khi thao tác để tạo ra 1 sản phẩm rút ngắn được thời gian 3 lần so với thực hiện bằng thủ công, giảm sức lao động, năng suất tăng cao, kỹ thuật đẹp, tăng tính cạnh tranh.

Cũng từ tác giả Trần Trung Danh và đồng tác giả Nguyễn Văn Dũng, Công ty Cổ phần in Bến Tre với giải pháp Ứng dụng tin học văn phòng để cải tiến phương pháp in bìa hóa đơn giá trị gia tăng, đã đoạt giải ba. Theo tác giả, do yêu cầu bắt buộc khi in bìa của quyển hóa đơn phải in rõ số tờ ruột của hóa đơn và số quyển. Cho nên, khi thực hiện in bìa, công nhân phải thực hiện thao tác số bằng tay. Giải pháp này là thiết lập hệ thống số cần thiết trên chương trình Word của máy tính và cài đặt những thông tin cần thiết cho máy đến khi cần in thì khởi động máy và lệnh cho máy in để in ra những tờ in có số lượng theo đơn đặt hàng của khách hàng, đồng thời in nhiều khổ hóa đơn khác nhau. Giải pháp đã giúp công nhân khi thực hiện công đoạn thành phẩm các loại bìa hóa đơn không cần phải sử dụng máy đóng số nhảy và đóng bằng tay mà chỉ thực hiện các thao tác cần thiết trên máy vi tính là đã thực hiện xong công đoạn in bìa hóa đơn. Giải pháp này lần đầu tiên được ứng dụng trong sản xuất tại Công ty Cổ phần in Bến Tre. Giải pháp này giúp rút ngắn thời gian gấp 10 lần so với thực hiện đóng số bằng tay, giảm sức lao động do các công đoạn thủ công tạo ra năng suất cao, kỹ thuật đẹp, tăng tính cạnh tranh, hạ giá thành, tăng lợi nhuận.

Giải khuyến khích là giải pháp Cải tiến hệ thống số nhảy của máy in hóa đơn từ hai hàng số nhảy cao cho một lần in chuyển sang chạy bốn hàng số nhảy trong một lần in của tác giả Phạm Lê Khắc Tùng, đồng tác giả Trần Trung Danh, Nguyễn Quốc Hưng. Giải pháp cải tiến hệ thống số nhảy của máy in hóa đơn từ 2 hàng số nhảy cho một lần in chuyển sang chạy 4 hàng số nhảy trong 1 lần in nhằm làm sao vừa phục vụ cho in hóa đơn, đồng thời sử dụng để in nhiều loại hàng hóa khác. Giải pháp này chủ yếu là thiết kế thêm hệ thống phụ trợ khác kết hợp với hệ thống đã có trên máy để in được 4 hàng số nhảy nhằm rút ngắn thời gian in để phục vụ kịp thời theo yêu cầu của khách hàng. Giải pháp đã chế tạo thêm 2 vòng sơ mi vòng tròn để lắp vào hệ thống vận hành in số nhảy của máy và hiện tại đã thực hiện và in được 4 hàng số nhảy cho một lần in, thay vì trước kia phải thực hiện in 2 lần. Qua đó, giúp cho công nhân vận hành máy khi thực hiện các loại sản phẩm có in số nhảy 3 hoặc 4 hàng số nhảy rút ngắn thời gian gấp 2 lần so trước đây. Đây là giải pháp hoàn toàn mới, không có sự trùng lắp nào trong các doanh nghiệp ngành in cả nước. Giải pháp có tác động lớn đến điều kiện lao động của công nhân, giúp cho công nhân chủ động, linh hoạt trong việc xử lý in ấn các loại hàng hóa đa dạng, nhanh gọn, làm lợi cho công ty. Giải pháp đã rút ngắn thời gian gấp 2 lần so lúc chưa cải tiến, tạo được năng suất, chất lượng đảm bảo. Lúc chưa cải tiến, 1 giờ in được 3.500 lượt in với 2 số, nhưng sau khi áp dụng cải tiến 1 giờ in được 3.500 lượt in với 4 số.

Hữu Hiệp (Lược ghi)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN