Một “đường dẫn” của lối sống đẹp

17/10/2008 - 09:49

Dạy nghề ở Trường Cao đẳng Bến Tre. Ảnh: T.Long.

Trong nhiều hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống của Hội LHTNVN (15-10) năm nay, có lễ tuyên dương 25 gương thanh niên tiêu biểu trên các lĩnh vực. Từ góc độ cuộc vận động “Thanh niên sống đẹp”, chị Đỗ Thị Thu Thảo, Chủ tịch Hội LHTN VN tỉnh, cho biết:

- “Thanh niên sống đẹp” là một trong 5 cuộc vận động của Hội LHTN Việt Nam. Đây là cuộc vận động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tuyên truyền, giáo dục, xây dựng một lối sống đẹp, nếp sống đẹp trong thanh niên; định hướng lý tưởng và giá trị cuộc sống cho thanh niên. Trong ba năm qua, Hội LHTN VN tỉnh đã triển khai sâu rộng cuộc vận động đến thanh niên thông qua nhiều hình thức, như tọa đàm, diễn đàn… Có thể nhắc đến diễn đàn “Thanh niên sống đẹp”, đợt sinh hoạt chính trị “Tiếp lửa truyền thống- Mãi mãi tuổi 20”, cuộc vận động “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại… Qua đó, định hướng các phẩm chất trong thanh niên như “yêu nước, hiếu thảo, kính thầy, trung thực, tình nguyện, kỷ luật, tiết kiệm” đồng thời xây dựng điển hình thanh niên; kịp thời phát hiện và nhân rộng những gương tiêu biểu.

Hội LHTN VN tỉnh đã thu được kết quả như thế nào, thưa chị?

- Trong ba năm, đã có hàng trăm gương thanh niên sống đẹp được tuyên dương từ cơ sở. Đó là một Mai Vân- 26 lần hiến máu nhân đạo, một Yến Nhi- người chị của trẻ mồ côi, Thúy Duyên- Nhựt Thành hiếu thảo, biết vượt lên nghịch cảnh đạt thành tích cao trong học tập, Thanh Thảo học giỏi- cán bộ Đoàn trường học xuất sắc, Đặng Văn Nghị dũng cảm trong truy bắt tội phạm, Võ Thành Ca - gương thanh niên nông thôn sản xuất giỏi đạt giải thưởng Lương Định Của… Chính những tấm gương này đã tạo thành một sự dẫn truyền rất lớn của việc hình thành lối sống đẹp trong thanh niên tỉnh nhà. Đây chính là cái được lớn nhất, quan trọng nhất qua ba năm thực hiện cuộc vận động.

Như chị nói thì đây là tín hiệu khá lạc quan. Tuy nhiên, hiện nay do nhiều lý do, số thanh niên thực tế gắn xuyên suốt, cùng góp sức trẻ xây dựng các phong trào ở các địa phương trong tỉnh không nhiều. Chị có chia sẻ gì về điều này?

- Theo số liệu của Đoàn, hiện nay, toàn tỉnh có hơn phân nửa đoàn viên, thanh niên đi làm ăn xa, không ở xuyên suốt tại địa phương. Thực tế, hoạt động của chi đoàn, chi hội tại cơ sở gặp nhiều khó khăn, vì còn rất ít lực lượng để tập hợp. Số thanh niên còn lại đa số thiếu điều kiện về học vấn, tay nghề, kinh tế… nên không thể đi làm ở các khu chế xuất, khu công nghiệp hay xuất khẩu lao động; một số ít là thanh niên lười lao động, chậm tiến. Đây là bài toán đặt ra cho công tác thanh niên trong tình hình hiện nay. Cũng xin khẳng định, đây cũng là đặc điểm chung của nhiều tỉnh khác. Tuy nhiên, chúng ta không nên lầm lẫn cho rằng thanh niên đi làm ăn xa là điều hạn chế. Đi lao động để tạo thu nhập, nuôi sống bản thân và gia đình là điều nên khuyến khích thanh niên.

Vậy thì Hội LHTN VN tỉnh có những giải pháp gì để tiếp lửa cho những nơi này?

- Thứ nhất: Nắm thực chất số lượng thanh niên còn có mặt ở địa phương lẫn số thanh niên đi làm ăn xa. Đánh giá xem thanh niên đi làm ăn xa làm nghề gì đông nhất? Làm ở tỉnh, thành phố nào nhiều nhất? Hoặc nếu có đi xuất khẩu lao động thì nước nào có đông thanh niên Bến Tre? Hội các cấp, đặc biệt là ở cơ sở phải nắm được điều này. Vấn đề ngay sau đó là phải có chương trình liên kết để giúp đỡ lực lượng này trong lao động, cuộc sống. Tạo sự liên hệ, giúp đỡ của lực lượng này đối với số thanh niên còn lại ở địa phương.

Thứ hai: Đối với lực lượng thanh niên còn lại ở địa phương, Đoàn- Hội phải tích cực vận động, tạo điều kiện để các bạn cùng tham gia. Cán bộ Hội phải có kỹ năng tập hợp thanh niên; phong trào Hội phải thu hút được thanh niên. Ngoài việc tạo sân chơi, Hội cần làm được một việc quan trọng, căn cơ- đó là giải quyết việc làm tại chỗ cho thanh niên thông qua các hình thức trợ vốn, hợp tác xã thanh niên, tổ hợp tác thanh niên…

Và không thể thiếu những chương trình đồng hành thanh niên trong cuộc sống từ phía Đoàn- Hội?

- “Đồng hành cùng thanh niên” là nhiệm vụ quan trọng được đặt ra đối với công tác Đoàn và phong trào TTN nhiệm kỳ này. Làm sao để chăm lo, đồng hành với nhu cầu, lợi ích chính đáng của thanh niên, đồng thời với việc khơi gợi sức sáng tạo, đóng góp và cống hiến của thanh niên. Đối với nội dung “Đồng hành cùng thanh niên trong học tập, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ”, Hội có chương trình “Nâng bước đến trường”, sẽ thành lập các trung tâm tin học, internet và chuyển giao KHKT cho thanh niên. “Quỹ lập nghiệp Trần Văn Ơn” sẽ đồng hành cùng thanh niên trong định hướng nghề nghiệp, tìm việc làm và khởi nghiệp. Phát huy những chương trình, dự án dành cho tổ chức Đoàn- Hội, tiến hành tập huấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng sống cho thanh niên…

NG.Diệu (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN