|
Chị Nga và hai con. |
Lúc mới chào đời, chị Ðỗ Thị Nga (sinh năm 1973), ngụ tại ấp Thạnh An, xã Bình Thạnh, huyện Thạnh Phú đã bị mù cả đôi mắt. Chị sống được là nhờ vào bàn tay nâng niu, tần tảo của cha mẹ và 5 anh, chị, em.
Lớn lên, chị Nga phụ giúp mẹ những
công việc lặt vặt: giặt đồ, lặt rau, bó chổi, giữ em, thắt dây lác. Trong những
lần giữ trẻ thuê cho người quen (dạng cầm chừng và phải có người trông coi), năm
1998, chị Nga được anh Võ Bá Tòng (bệnh khờ bẩm sinh, sống bằng nghề làm thuê) để
ý và xin cưới chị. Thương con gái tật nguyền và muốn cho con mình có bạn có đôi
để cùng nương tựa nhau nên cha mẹ đồng ý. Ông bà cho chị mảnh đất dựng một chòi
lá (ở gần). Anh Tòng đi làm thuê công nhật, còn chị Nga thắt dây lác để kiếm sống
qua ngày. Sau đó, anh chị sinh được 2 con: cháu Ðỗ Thị Thanh Ngân (sinh năm
2000), cháu Võ Trung Hậu (sinh năm 2006). Chồng thường xuyên đi làm thuê xa, mọi
việc trong nhà chị đều phải nhờ vào sự giúp đỡ tận tình của mẹ ruột. Bà Hai Bạch,
mẹ chị Nga xúc động: “Mỗi tối, tôi đều phải qua ngủ giữ nhà dùm. Ban ngày, tôi
phụ giúp nó đủ thứ việc. Khổ nỗi, chồng nó thì khờ khệch, đến mức làm mướn cũng
không biết tính là bao nhiêu ngày. Còn bé Ngân thì trí nhớ lung tung. Sau này,
lỡ tôi già rồi… thì không biết sẽ ra sao”.
Công việc hàng ngày của chị Nga là thắt
dây lác để bán. Theo bà Bạch, mỗi ngày (từ sáng sớm cho đến khuya) chị Nga thắt
được 3kg dây lác khô, thành 10 sợi dây (dài 16m/sợi), đem bán được 16 ngàn đồng,
nếu trừ số tiền mua lác thì chị kiếm được 5.500 đồng (dây lác khô giá 3.500 đồng/kg).
Thương con cháu, những lúc rảnh rỗi, ông Sớt (cha chị Nga) xách dao đi tìm lác
cắt đem về cho chị, nhưng cũng chẳng được là bao.
Tôi hỏi Ngân (lớp 6) và Hậu (lớp 2),
con của chị Nga, về việc học hành, các em cười rất ngây ngô. Cháu Ngân không
phát triển bình thường như những trẻ em khác; còn cháu Hậu, đang tiềm ẩn căn bệnh
loãng máu nhưng chưa được khám, điều trị cho khỏi. Ðối với chị em Ngân, giờ đây
cái ăn, cái mặc hàng ngày là quan trọng nhất, thì chuyện học hành là quá “xa
xôi”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm - Phó Chủ tịch
UBND xã Bình Thạnh cho biết: “Hộ chị Nga là hộ nghèo, được hỗ trợ nhà tình thương
năm 2009. Hàng tháng, chị được lãnh trợ cấp xã hội đối với người tàn tật. UBND
xã dành ưu tiên giúp đỡ cho hộ này. Ðối với trường hợp của hai cháu Ngân và Hậu,
Hội Khuyến học xã sẽ đặc biệt quan tâm, nếu cần thiết, sẽ đề nghị sự hỗ trợ của
huyện”.