Một mô hình nuôi cá chẻm năng suất cao

16/06/2011 - 15:35

Mô hình nuôi cá chẻm của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn tại xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri đã góp thêm lời giải cho những vùng nuôi tôm thâm canh vốn bị “lão hóa”, thường xảy ra nhiều rủi ro về dịch bệnh.

Công ty thực hiện mô hình nuôi thâm canh cá chẻm gồm 22 ao nuôi, tổng diện tích trên 11ha mặt nước. Qui trình nuôi được áp dụng kỹ thuật hỗ trợ oxy như nuôi tôm sú, mật độ thả giống 4 con/m2 mặt nước, hoàn toàn sử dụng nguồn thức ăn công nghiệp, xử lý môi trường bằng các chế phẩm sinh học.

Sau 8 tháng nuôi, công ty bắt đầu thu hoạch cá thương phẩm, trọng lượng trung bình 1kg/con, năng suất trên 40 tấn/ha.

Kỹ sư Lê Long Triều, người phụ trách kỹ thuật nuôi cho biết: Cá chẻm thuộc loài thủy sản rất dễ nuôi và cho năng suất cao. Nhưng chúng cần ngưỡng oxy rất cao, khi thả giống yêu cầu lớn nhất là độ đồng đều của con giống, vì ở giai đoạn nhỏ chúng phân đàn mạnh. Khó khăn lớn nhất mà người nuôi gặp phải là vấn đề nguồn giống cực kỳ khan hiếm, nên chưa thể phủ kín 65ha hiện có tại vùng nuôi của công ty ở Bảo Thạnh.

Với giá thị trường hiện nay là 65.000đ/kg cá thương phẩm (siêu thị bán giá 130.000đ/kg), khấu trừ chi phí sản xuất đầu vào là 40.000đ/kg cá thành phẩm thì người nuôi lãi 25.000đ/kg. Nếu so với diện tích ao nuôi tôm 5.000m2 chuyển sang nuôi thâm canh cá chẻm, lợi nhuận tương đương 500 triệu đồng, trong thời gian là 8 tháng. Như vậy mô hình nuôi cá chẻm thâm canh tại địa bàn xã Bảo Thạnh sẽ là cơ hội giúp cho những người có đất vốn là ao nuôi tôm bị suy thoái về môi trường hiện nay.

Nông dân Nguyễn Tấn Bỉ thì cho biết: Tôi quan sát mô hình nuôi này từ đầu thời kỳ thả giống đến nay, tôi thấy việc nuôi thâm canh cá chẻm rất dễ và vừa sức với nông dân, mà lợi nhuận cũng không kém con tôm sú, tôm thẻ chân trắng.

Hiệu quả là như vậy, nhưng nguồn giống sạch và chất lượng để đáp ứng cho việc nuôi cá chẻm thâm canh, nuôi đại trà hiện nay đang là một bài toán khó, cũng là yếu tố quan trọng cho sự thành công về mô hình này.

Nếu nguồn giống cá chẻm phục vụ cho nuôi thâm canh được cải thiện, được sự nhập cuộc từ các cơ quan chuyên ngành, những diện tích nuôi tôm trên địa bàn ba huyện vùng biển của tỉnh Bến Tre sẽ là tiềm năng hiện thực như nguồn lợi mà con tôm sú đã làm một cuộc đổi đời ngoạn mục cho nông dân vùng biển ở những năm đầu thế kỷ XXI.

Hữu Tính

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN