Một năm hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ

25/12/2009 - 09:47
Ảnh: P.Y

Theo đánh giá của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTB PN) tỉnh, năm 2009, kế hoạch hoạt động của Ban đã tạo được sự đồng thuận tương đối cao trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các mục tiêu trong chương trình hành động VSTB PN được tổ chức thực hiện phù hợp với Nghị quyết của HĐND, Nghị quyết của Tỉnh ủy và các đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.

Đồng thời với việc tuyên truyền VSTB PN trên báo, đài và trang web của tỉnh, trong năm 2009, Ban VSTB PN tỉnh còn mở rộng tuyên truyền lồng ghép giới trong hoạt động trợ giúp pháp lý, thông qua hình thức trợ giúp pháp lý lưu động, mở lớp tập huấn kiến thức giới, thành lập câu lạc bộ trợ giúp pháp lý cho trẻ em. Ngoài ra, Ban còn phối hợp với các dự án, đề án của tỉnh để lồng ghép thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Ban đã tổ chức kiểm tra hoạt động tại các huyện: Giồng Trôm, Ba Tri, Châu Thành, Bình Đại, Chợ Lách và thành phố Bến Tre. Kết quả kiểm tra cho thấy, các Ban đã kiện toàn tổ chức, xây dựng quy chế làm việc, kế hoạch hành động hàng năm và được sự thống nhất cao của cán bộ, công chức. Các xã, thị trấn đều thành lập Ban VSTB PN. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động các Ban vẫn còn gặp một số khó khăn, như: thành viên thường là người kiêm nhiệm,  một số Ban chưa đề xuất được những vấn đề có liên quan đến nữ, hầu hết các ban không lập dự toán kinh phí ngay từ đầu năm theo hướng dẫn, nên không đủ điều kiện cho Ban hoạt động. Trong việc thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ về lao động việc làm, nhằm nâng cao địa vị kinh tế và cải thiện đời sống cho phụ nữ, năm qua, Ban VSTB PN tỉnh đã thực hiện việc lồng ghép giới, bình đẳng giới vào nhiệm vụ phát triển kinh tế  - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, kết quả không đạt so với kế hoạch đề ra. Chỉ tiêu lao động nữ có việc làm, nhất là lao động nữ tham gia xuất khẩu lao động đạt thấp. Trong thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ về giáo dục, tạo điều kiện cho phụ nữ được nâng cao trình độ mọi mặt, ngành giáo dục đã thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên có trình độ vững vàng, năng động và sáng tạo, hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy và nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương. Trong 14.616 CBGV toàn ngành, đã có 8.481chị em nữ giới, tỷ lệ 58,02%; cán bộ quản lý nữ 553/1.015 (52,51%), Đảng viên nữ 3.625/5.791 người (62,59%). Tỉ lệ học sinh nữ bỏ học giảm còn 0,12% (chỉ tiêu 0,5%) ở bậc tiểu học; dưới 2% (chỉ  tiêu 2,5%) ở bậc THCS; và dưới 3% (chỉ  tiêu 3%) ở bậc THPT. Mục tiêu thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đạt yêu cầu đề ra.  Việc nâng cao vị trí, vai trò và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào bộ máy lãnh đạo được tỉnh đặc biệt quan tâm. Từ năm 2001 đến nay, tỉnh đã có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo, mạnh dạn bố trí, luân chuyển cán bộ nữ tham gia lãnh đạo và quản lý các cấp; vận động nhiều cán bộ, công chức nữ khắc phục khó khăn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chính trị, tin học, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu bố trí nữ vào các chức danh lãnh đạo và tăng tỷ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử các cấp. Tuy nhiên, kết quả vẫn không đạt các chỉ tiêu đề ra. Cụ thể như, cán bộ nữ trong cấp ủy Đảng, chỉ có cấp cơ sở đạt chỉ tiêu, với 15,26%/ 15%; còn ở cấp tỉnh đạt 14,28% và huyện, thị đạt 13,35%. Cán bộ nữ tham gia đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre giảm 8,93%  so với khóa trước. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp không đạt chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu 20-25% trở lên, nhưng thực tế, ở cấp tỉnh đạt 19,3%; huyện, thị đạt 19,6%; cơ sở đạt 15,97%); không có chức danh nữ chủ tịch UBND tỉnh, huyện; nữ phó chủ tịch UBND tỉnh là 33,3%, huyện là 9,1%; nữ giám đốc các sở, ngành tỉnh và tương đương là 13%; nữ phó giám đốc các sở, ngành tỉnh và tương đương là 14%; cán bộ nữ lãnh đạo trưởng phòng và tương đương là 18%, phó phòng và tương đương 29%.

Ban VSTB PN tỉnh đã có nhiều cố gắng hoàn thành chương trình công tác năm 2009. Nhiều nội dung đã được tập trung triển khai thực hiện mang lại hiệu quả, nhất là công tác giám sát cơ sở. Có 6/9 huyện, thành phố được kiểm tra, giám sát, kịp thời khắc phục những tồn tại, từng bước chấn chỉnh, đưa hoạt động của Ban vào ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung hoạt động chưa mang lại kết quả cao, như: chế độ sinh hoạt của Ban chưa được duy trì thường xuyên; công tác sơ, tổng kết chưa kịp thời; chưa tổ chức được các cuộc họp giữa Ban với các ban ngành, cơ sở; công tác thi đua, khen thưởng chưa được triển khai thực hiện.

Phương Châm

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN