Một quyết định có hiệu lực pháp luật đã hai năm nhưng chưa được thi hành

17/07/2011 - 15:58

Vụ tranh chấp 461m2 đất giữa ông Đỗ Hữu Thị (đại diện cho chi họ Đỗ) và ông Trần Văn Ga (xã Tân Xuân, Ba Tri) xảy ra từ năm 1995, UBND huyện Ba Tri đã hai lần ra quyết định giải quyết. Sau đó, ngày 20-7-2009, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Quyết định số 1649 “Về việc giải quyết khiếu nại của ông Trần Văn Ga”. Theo đó, UBND tỉnh không công nhận nội dung khiếu nại của ông Ga, công nhận Quyết định số 149 ngày 23-1-2008 của UBND huyện Ba Tri, buộc ông Ga phải giao 461m2 đất tranh chấp cho ông Thị. Nhưng đã hai năm nay, quyết định này vẫn chưa được thi hành.

Diện tích 461m2 đất tranh chấp giữa ông Đỗ Hữu Thị và ông Trần Văn Ga nằm trong diện tích 4.074m2 đất giồng (theo đo đạc thực tế), tọa lạc tại ấp 5, xã Tân Xuân có nguồn gốc của ông Đỗ Hữu Được. Ông Được có làm tờ tương phân (không ghi ngày, tháng, năm) để lại cho các con trong gia đình sử dụng, nhưng thực tế là do ông Đỗ Kim Thinh (cháu nội ông Được) quản lý, canh tác. Sau đó, ông Thinh để lại cho người em họ là là ông Đỗ Hữu Nghi quản lý, sử dụng 4.074m2 đất này.

Năm 1947, ông Nghi chết, phần đất trên (4.074m2) để lại cho con là Đỗ Hữu Chúc và Đỗ Thị Tốt quản lý, sử dụng. Năm 1960, gia đình ông Chúc về sống tại xã Mỹ Chánh nên giao lại cho ông Đỗ Hữu Niên sử dụng (ông Niên là con ông Đỗ Hữu Kiệt, gọi ông Nghi là bác). Thời điểm này, ông Kiệt có cho bà Đỗ Thị Bời đến cất nhà ở đậu trên phần đất này (sau năm 1975 vẫn còn ở đây). Sau khi ông Niên qua đời, đất này giao cho bà Đỗ Thị Nhu quản lý, sử dụng. Năm 1993, ông Trần Văn Ga đến gặp bà Đỗ Thị Nguyên (con ông Chúc) thỏa thuận xin sử dụng phần đất trống nằm sát lộ (đo đạc thực tế là 461m2) để xây cất nhà máy xay lúa, nhưng bà Nguyên từ chối. Năm 1995, ông Ga có ý định tự ý cho thuê diện tích 461m2 đất trên cho người khác sử dụng, bà Nguyên phát hiện và tranh chấp quyền sử dụng. Năm 1996, khi Nhà nước đo đạc đất, ông Ga tự chỉ ranh đo đạc và kê khai đăng ký diện tích 1.807m2 đất thuộc thửa 435, tờ bản đồ 24, bao gồm: 461m2 đất tranh chấp, phần đất nhà ở của bà Bời, bà Nhu đang ở; bấy giờ, ông Ga đã được thừa hưởng theo tương phân của ông cố ngoại là Đỗ Hữu Quới để lại phần đất đối diện với đất tranh chấp, cách nhau một con lộ liên ấp. Năm 2002, ông Ga đến cất nhà trên phần đất tranh chấp (461m2). Ngày 30-10-2002, UBND xã Tân Xuân ban hành Quyết định số 06/QĐ-UBND, đình chỉ việc xây nhà trái phép của ông Ga nhưng ông không chấp hành. Sau đó, UBND xã Tân Xuân tổ chức hòa giải không thành.

Ngày 26-8-2003, UBND huyện Ba Tri ban hành Quyết định số 931 bác nội dung đơn tranh chấp của bà Nguyên, giữ nguyên hiện trạng đất cho ông Ga sử dụng (461m2); lý do: bà Nguyên không có giấy tờ chứng minh về nguồn gốc đất và không có thời gian sử dụng lâu dài. Sau khi có quyết định này, bà Nguyên và ông Đỗ Hữu Thị được chi họ Đỗ ủy quyền tiếp tục khiếu nại. Đến ngày 18-6-2007, chi họ Đỗ và bà Nguyên thống nhất ủy quyền cho ông Thị là cháu nội của ông Thinh đứng ra khiếu nại.

Sau đó, trên cơ sở xác minh của cơ quan chức năng và theo Tờ trình số 10 ngày 22-1-2008 của Thanh tra huyện Ba Tri, ngày 23-1-2008, UBND huyện Ba Tri ban hành Quyết định số 149, thu hồi Quyết định số 931 (ngày 23-1-2008). Theo đó, UBND huyện giải quyết cho ông Đỗ Hữu Thị được quyền quản lý, sử dụng diện tích 461m2 đất, thuộc một phần thửa 435, tờ bản đồ 24, ấp 5, xã Tân Xuân; buộc ông Ga có trách nhiệm di dời nhà ở để giao trả 461m2 đất cho ông Thị, nếu ông Ga muốn sử dụng đất ổn định thì phải thương lượng với ông Thị theo đúng quy định của pháp luật. Ông Trần Văn Ga gửi đơn đến UBND tỉnh Bến Tre khiếu nại, cho rằng: Diện tích 461m2 trên nằm trong diện tích 1.200m2 đất (chiều ngang 40m, chiều sâu 30m) là đất của bà Đỗ Thị Dựa (được thừa hưởng của cha là ông Đỗ Hữu Được). Sau đó, bà Dựa để lại đất cho người em tên Đỗ Hữu Quới sử dụng và ông Quới để lại đất này cho bà Đỗ Thị Tánh, là mẹ của ông Ga (ông Ga là cháu ngoại của ông Quới) quản lý, sử dụng từ trước năm 1975 cho đến nay.

Ngày 20-7-2009, UBND tỉnh Bến Tre ban hành Quyết định số 1649 “Về việc giải quyết khiếu nại của ông Trần Văn Ga”. Theo đó, UBND tỉnh không công nhận nội dung khiếu nại của ông Ga, công nhận Quyết định số 149 ngày 23-1-2008 của UBND huyện Ba Tri; giao cho UBND huyện Ba Tri tổ chức công bố, tống đạt quyết định này cho các đương sự liên quan thi hành, quyết định này là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Theo phản ánh của ông Lê Văn Thanh, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường Ba Tri, đã tống đạt Quyết định 1649 của UBND tỉnh cho ông Ga vào ngày 30-7-2009, nhưng ông Ga cho biết là đang tiếp tục khiếu nại lên cấp Trung ương. Qua tìm hiểu được biết, ông Ga tiếp tục khiếu nại Quyết định 1649 và ngày 25-9-2009 UBND tỉnh Bến Tre đã có Văn bản số 3958, trả lời không công nhận nội dung khiếu nại của ông Ga. Sau đó, ông Đỗ Hữu Thị yêu cầu được thi hành theo Quyết định 1649 của UBND tỉnh. Ngày 14-1-2010, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Tri đã mời ông Trần Văn Ga đến làm việc, lập biên bản, yêu cầu thực hiện quyết định nhưng ông Ga không đồng ý. Ông Ga nộp cho Phòng Tài nguyên và Môi trường một giấy phô-tô Phiếu hướng dẫn số 176970 (ngày 7-10-2009) của Văn phòng Thanh tra Chính phủ, với nội dung hướng dẫn ông Ga đến Tòa Hành chính - Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre là cơ quan có thẩm quyền và trách nhiệm xem xét. Sự việc kéo dài cho tới nay, không có cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nào có ý kiến về Quyết định 1649 ngày 20-7-2009 của UBND tỉnh Bến Tre.

Quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng của UBND tỉnh có hiệu lực pháp luật đã hai năm, nhưng ông Trần Văn Ga không chấp hành. Vụ việc lại “dậm chân tại chỗ”. Thiết nghĩ, việc cưỡng chế buộc ông Ga thi hành quyết định của UBND tỉnh là cần thiết.

PV.BĐ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN