Một số chủ trương, chính sách về người có công

27/07/2018 - 07:29

Tháng 7 về, trong lòng mỗi người Việt Nam đều xúc động, trào dâng niềm tự hào vô hạn và tri ân tưởng nhớ tới những người con ưu tú đã ngã xuống cho độc lập tự do. Ngày 27-7, Ngày Thương binh, liệt sĩ - Ngày kỷ niệm cho những giọt “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập một vài khía cạnh pháp luật về liệt sĩ.

Hoạt động thả đèn hoa trên sông tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.  Ảnh: A. Nguyệt

Hoạt động thả đèn hoa trên sông tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.  Ảnh: A. Nguyệt

Những trường hợp được công nhận liệt sĩ

Liệt sĩ là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân được Nhà nước truy tặng bằng “Tổ quốc ghi công” thuộc một trong các trường hợp: Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu; trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch; hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục mà hy sinh; làm nghĩa vụ quốc tế; đấu tranh chống tội phạm; dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân; do ốm đau, tai nạn khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do cơ quan có thẩm quyền giao; trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm; thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 19 của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng chết vì vết thương tái phát; người mất tin, mất tích trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và  Khoản 1, Khoản 2 Điều 19 của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

 Liệt sĩ được tổ chức báo tử, truy điệu, an táng. Nhà nước và nhân dân xây dựng, quản lý, chăm sóc, giữ gìn các công trình ghi công liệt sĩ, bao gồm phần mộ, nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia ghi tên liệt sĩ.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị của liệt sĩ có trách nhiệm phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn nơi gia đình liệt sĩ cư trú tổ chức trọng thể lễ truy điệu liệt sĩ. Chính phủ quy định việc thông tin, tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính, quản lý, chăm sóc, giữ gìn, thăm viếng và di chuyển phần mộ liệt sĩ; xây dựng, quản lý nghĩa trang, đài tưởng niệm, đền thờ, bia ghi tên liệt sĩ; thông báo cho UBND và gia đình liệt sĩ biết về phần mộ liệt sĩ. Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, tu bổ phần mộ, nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia ghi tên liệt sĩ được bảo đảm bằng ngân sách nhà nước và sự đóng góp của nhân dân. UBND các cấp có trách nhiệm quản lý các công trình ghi công liệt sĩ.

Thân nhân liệt sĩ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp “Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ” bao gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng; con; người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ.

Chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sĩ

Các chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sĩ bao gồm: Trợ cấp tiền tuất một lần khi báo tử; trợ cấp tiền tuất hàng tháng theo các mức thân nhân của một liệt sĩ, thân nhân của hai liệt sĩ, thân nhân của ba liệt sĩ trở lên đối với cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; vợ hoặc chồng của liệt sĩ, con liệt sĩ dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng. Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ, vợ hoặc chồng liệt sĩ cô đơn không nơi nương tựa, con liệt sĩ mồ côi cả cha mẹ quy định tại điểm này thì được hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng.

Khi báo tử, liệt sĩ không còn thân nhân thì người thừa kế của liệt sĩ giữ bằng “Tổ quốc ghi công” được hưởng khoản trợ cấp tiền tuất một lần như đối với thân nhân liệt sĩ. Liệt sĩ không còn thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng thì người được giao thờ cúng liệt sĩ được hưởng trợ cấp mỗi năm một lần; thân nhân liệt sĩ được Nhà nước mua bảo hiểm y tế; được ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển, vay vốn ưu đãi để sản xuất, miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ về nhà ở quy định tại Khoản 4 Điều 4 của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Cha đẻ, mẹ đẻ; người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; vợ hoặc chồng; con liệt sĩ bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần. Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ chỉ có một con mà người con đó là liệt sĩ hoặc cha đẻ, mẹ đẻ có hai con là liệt sĩ trở lên được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hàng năm. Thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng được cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cần thiết căn cứ vào hoàn cảnh của từng người, khả năng của Nhà nước; khi chết thì người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí, thân nhân được hưởng một khoản trợ cấp. Con liệt sĩ được hưởng chế độ ưu tiên, hỗ trợ theo quy định tại Khoản 5 Điều 4 của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

71 năm “tình sâu, nghĩa nặng” (27-7-1947 - 27-7-2018) “Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ chuyển lại cho chúng ta…” - Những việc làm của “Đồng khởi mới”, năm “tăng tốc” 2018 trên quê hương Đồng khởi.

Dương Quốc Hoàng

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN