|
Sạt lở ở cồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình (Chợ Lách). Ảnh: Trần Quốc. |
Chợ Lách là vùng đất có nhiều sông rạch chằng chịt, được “tắm” bởi phù sa màu mỡ, cây trái trù phú. Và cũng chính điều này đã tạo cho huyện bất lợi là nhiều nơi đất trũng thấp dễ bị nước chế ngự. Đặc biệt vào những ngày triều cường, các hộ dân ở cồn phải sống trong phập phồng lo sợ sạt lở, vỡ đê, nước tràn vào gây thiệt hại nặng nề về kinh tế.
Trên chuyến phà từ đất liền sang cồn Phú Đa (thuộc xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách), chúng tôi nghe nhiều người dân sinh sống ở cồn đã bày tỏ lo lắng về đợt triều cường mới đây. Một phụ nữ tuổi ngoài 50 nói với người bên cạnh: Năm nào cũng vậy, vào mùa này là lo đối phó với bà thủy. Đợt triều cường vừa qua tuy mới mở màn nhưng nhiều đoạn trên tuyến đê cồn bị nước tràn vào. Các hộ dân phải lấy đất cơi lên để gia cố. Những đợt triều cường tiếp theo nước cao hơn, mức độ phức tạp không dừng lại như thế. Dòng sông vốn rất hiền hòa, chở nặng phù sa vun đắp cho vùng đất. Hầu hết, các chủng loại cây trồng trên cồn Phú Đa đều phát triển tươi tốt và cho trái nặng trĩu cành, đem lại cuộc sống sung túc cho người dân nơi đây. Nhưng cũng chính sự tác động của con người làm cho quy luật bên lở bên bồi của dòng sông không còn mà thay vào đó là cả hai bên bến đều bị sạt lở. Chiếc phà cập bến cồn, họ bảo tôi: “Cậu cứ thẳng lên tận đầu cồn sẽ thấu hiểu sự tàn phá của dòng chảy”.
Cồn Phú Đa có nhiều đoạn đê bị sạt lở do triều cường
Đứng trên đầu cồn nhìn thẳng về phía trước không xa những chiếc xà lan đang khai thác mỏ cát thuộc tỉnh Vĩnh Long quản lý. Trưởng ấp Phú Bình Huỳnh Văn Nhựt cho biết, trước đây tình trạng sạt lở ở đầu cồn có xảy ra nhưng ở mức bình thường, từ khi mỏ cát khai thác khiến dòng chảy thay đổi, nước đổ trực diện vào đầu cồn, xói theo kiểu hàm ếch, nước bào mòn phần đất phía dưới, phần trên sụp xuống. Các trụ điện cắm cách điểm đầu của cồn hàng chục mét đã sụp xuống. Cuối năm 2006, đầu năm 2007, có 26 hộ dân không thể tiếp tục sống trong phập phồng bởi sự rình rập của sạt lở đành ngậm ngùi chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp nuôi cá da trơn để chạy vào đất liền. Rồi 2 người thuê đất đào ao nuôi cá do chủ quan, thiết kế ao nuôi gần sông. Tiền tỷ đầu tư, vụ nuôi đầu tiên chưa kịp thu hoạch thì sạt lở đã đến đành dùng lưới B40 rào chắn lại đến thu hoạch phải bỏ chạy.