
Xây dựng chính quyền số gắn liền với các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin.
Các mục tiêu cụ thể
Kế hoạch đề ra định hướng đến năm 2030, tỉnh Bến Tre trở thành một trong những tỉnh thành công trong CĐS, phát triển công nghiệp nội dung số, thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Cơ quan nhà nước (CQNN) thiết kế mô hình tổ chức, cách thức vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, tạo ra môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình, kết nối và hợp tác với nhau dễ dàng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn. CB, CC, VC được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số, có năng lực kiến tạo phát triển, dẫn dắt CĐS trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương.
Các mục tiêu cơ bản đến năm 2025 bao gồm 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của các CQNN được thực hiện trên môi trường mạng dựa vào nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất và có sự quản lý, theo dõi, giám sát. 100% văn bản trao đổi giữa các CQNN (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) được thực hiện hoàn toàn dưới dạng điện tử. 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 80% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước). 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh. 100% CB, CC, VC sử dụng hộp thư điện tử công vụ trong trao đổi công việc thông qua hệ thống thư điện tử của tỉnh, đảm bảo cung cấp hộp thư điện tử cho CB, CC, VC sử dụng và đáp ứng yêu cầu về bảo mật, an toàn thông tin (ATTT).
Mục tiêu chung đề ra đến năm 2025 có tối thiểu 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Tối thiểu 80% nội dung chương trình đào tạo, thi tuyển ngạch chuyên viên hoặc tương đương được thực hiện trực tuyến. 100% CB, CC, VC được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản; tối thiểu 70% CB, CC, VC được tập huấn kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số.
Gắn liền với an toàn thông tin
Việc xây dựng CQS phải được gắn liền với công tác bảo đảm ATTT cho các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh và hệ thống thông tin của CQNN có khả năng thích ứng một cách chủ động, linh hoạt và giảm thiểu các nguy cơ, đe dọa mất ATTT trên mạng. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn khi xảy ra sự cố mất ATTT mạng trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục duy trì, hoàn thiện phần mềm và các thiết bị giám sát ATTT mạng theo chuẩn Trung tâm Giám sát điều hành an toàn/an ninh mạng SOC đảm bảo ATTT các hệ thống thông tin trong CQNN theo mô hình “4 lớp” phục vụ chính quyền điện tử, CQS của tỉnh trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đến năm 2025, mục tiêu cần đạt là 100% hệ thống thông tin của tỉnh được xác định và bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ. 100% máy tính của CB, CC, VC trên địa bàn tỉnh được giám sát ATTT. 100% thành viên Tổ ứng cứu sự cố của tỉnh được đào tạo, tập huấn, diễn tập nâng cao kỹ năng, hoạt động và tính sẵn sàng về ATTT. Đảm bảo 100% các nguồn lực và các điều kiện cần thiết để sẵn sàng triển khai kịp thời, hiệu quả các phương án ứng cứu khẩn cấp sự cố ATTT mạng.
Với những nền tảng đó, tầm nhìn đến năm 2030, CQNN của Bến Tre sẽ cung cấp dịch vụ trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng dịch vụ, giảm chi phí, tăng năng suất lao động xã hội một cách chủ động, kịp thời đáp ứng nhu cầu xã hội. Người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ số dễ dàng, đơn giản, thuận tiện và nhanh chóng. Đồng thời, có thể dễ dàng tham gia ý kiến đóng góp cho hoạt động của CQNN, phản ánh những vấn đề của xã hội và nhận được ý kiến phản hồi về sự tham gia, kết quả tham gia của mình. Doanh nghiệp có thể tham gia cung cấp dịch vụ công hoặc phát triển dịch vụ mới, sáng tạo, giúp xã hội có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ công của CQNN.
Các hoạt động của CQNN được vận hành tối ưu dựa trên dữ liệu và công nghệ số, tạo ra môi trường làm việc để CB, CC, VC có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình, kết nối và hợp tác với nhau dễ dàng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn. CB, CC, VC được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số, có năng lực kiến tạo phát triển, dẫn dắt CĐS trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương.
Bài, ảnh: Thanh Đồng