
Chị Nguyễn Thị Rãng nắn nót từng mũi thêu. Ảnh: Hữu Nghĩa
Bén duyên với nghề
Là một trong những nghề truyền thống, thêu tay có ở nhiều địa phương, đã góp phần phong phú thêm sắc thái văn hóa cộng đồng dân cư. Ở tỉnh, nghề thêu tay tuy không nổi tiếng như XQ Đà Lạt (Lâm Đồng), Thuận Lộc (Thừa Thiên Huế), Quất Động (Hà Nội) nhưng các tác phẩm đều có nét đặc trưng riêng. Trong số đó, những sản phẩm được làm ra từ cơ sở thêu tay Khánh Quyên ở Ấp 10, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, do chị Nguyễn Thị Rãng làm chủ đưa những tác phẩm nghệ thuật đến với du khách trong và ngoài nước.
Năm 1982, khi mới học lớp 10, chị Rãng nhìn thấy mấy chị học lớp trên thêu cảm thấy rất thích. Sẵn có niềm đam mê, chị quan sát và buổi tối, sau giờ học, chị mày mò tập thêu. Tốt nghiệp THPT, chị Rãng học tại Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. Trong thời gian rảnh rỗi ở ký túc xá, chị mua vải và chỉ về tiếp tục tập thêu. Năm 1988, chị tốt nghiệp đại học, trong thời gian chờ xin việc, để có tiền trang trải cuộc sống, chị nhận hàng về nhà thêu gia công. Lúc đó, có nhiều chị em phụ nữ ở xóm không có việc làm, chị Rãng hướng dẫn kỹ thuật thêu để mọi người đều có việc làm. Từ từ, số lượng chị em phụ nữ làm nghề thêu tăng lên, đòi hỏi phải mở rộng cơ sở. Chị chuyển sang làm vệ tinh, nhận hàng về cho thợ thêu, sau đó giao cho đối tác. Năm 2000, chị thành lập cơ sở thêu tay Khánh Quyên, ký kết những đơn hàng lớn và giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi.
Theo chị Rãng, nếu như hội họa sử dụng giấy, màu, cọ để làm chất liệu và dụng cụ thì nghề thêu dùng kim, chỉ, vải để sáng tạo nên tác phẩm. Thêu là một nghề thủ công đòi hỏi người thợ có bàn tay khéo léo, đôi mắt tinh tường, cộng với bộ óc tinh tế và đức tính cần mẫn. Khi thêu phải tập trung hết tâm lực, sự bền bỉ và siêng năng, không được vội vàng, hấp tấp. Những đức tính trên và năng khiếu là yêu cầu cơ bản đối với mỗi thợ thêu nhằm tạo ra những sản phẩm được phối màu hài hòa, hoa văn phù hợp trên chất liệu vải, lụa.
Lan tỏa tinh hoa
Công đoạn đầu tiên trước khi thêu là vẽ phác thảo trên giấy bóng mờ, chỉnh sửa đường nét để tạo mẫu. Tùy vào đề tài, chủng loại mà sản phẩm thêu có ít hay nhiều màu sắc. Khi thêu tranh sẽ sử dụng chỉ nhiều màu sắc, còn các sản phẩm dân dụng như: khăn tay, ví, túi mắt kính… thì ít hơn. Họa tiết thường là phong cảnh, hoa cỏ… Đề tài thường là các danh lam thắng cảnh như: vịnh Hạ Long, chùa Một Cột, cố đô Huế… Sau khi in mẫu, người thợ thêu tiến hành căng vải cho thật phẳng và bắt đầu thêu. Những mũi thêu cơ bản gồm: đột thưa, đột khít, dây chuyền, cành cây, se hạt, bó, đâm xô. Từng họa tiết sẽ sử dụng mũi thêu cho phù hợp.
Khi đánh giá một tác phẩm thêu đẹp do người thợ khéo tay làm ra thì dựa vào các tiêu chí: thêu mỏng, màu sắc hài hòa, bố cục cân đối, không đếm được bao nhiêu lớp trong một chi tiết.

Bộ tranh tứ quý Mai Lan Cúc Trúc. Ảnh: Hữu Nghĩa
Mỗi tác phẩm thêu đều mang đậm tính dân gian, thể hiện hồn quê, cảnh sắc tươi đẹp, giúp người xem khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước. Các sản phẩm thêu tay của cơ sở Khánh Quyên luôn chú trọng chất lượng nghệ thuật, ẩn chứa hồn cốt, thể hiện tiếng nói của đối tượng đang phản ánh. Chẳng hạn, khi thêu hoa phải phối màu phù hợp để người xem biết được bông hoa đó đang nở vào buổi sáng hay tối. Để có thể thêu được những tác phẩm như vậy, đòi hỏi người thêu phải nhập tâm và có sự cảm nhận cuộc sống tinh tế.
Anh Võ Như Phong - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Phong Nhã, TP. Hồ Chí Minh cho biết: Tôi được bạn bè ở Bến Tre tặng một số sản phẩm thêu tay để sử dụng hàng ngày và bày trí. Các sản phẩm này đều làm thủ công, các mẫu họa tiết được thiết kế riêng, tinh xảo về đường nét. Dự tính tương lai, tôi sẽ sử dụng những sản phẩm này để làm quà tặng đối tác của công ty. Bên cạnh việc buôn bán trong nước, các khu du lịch ở cồn Thới Sơn, Cồn Phụng, các sản phẩm thêu Khánh Quyên còn được xuất khẩu sang các nước Hà Lan, Na Uy, Nhật Bản.
Tạo thêm việc làm
Nhiều năm qua, cơ sở đã đào tạo và tạo việc làm cho nhiều người, lúc cao điểm, số lượng thợ thêu lên đến khoảng 300 người. Do đó, để các công đoạn trôi chảy phải tiến hành phân khúc các sản phẩm để phù hợp với từng đối tượng lao động. Cụ thể, 50% dành cho thợ thêu chuyên nghiệp để làm những hàng đạt chuẩn xuất khẩu; 30% dành cho lao động bán thời gian, tận dụng thời gian nhàn rỗi ở nhà; 20% dành cho các em khuyết tật, tham gia từng công đoạn, phần hoàn thiện do thợ thêu lành nghề làm. Hiện nay, cơ sở có khoảng 20 lao động thường xuyên và khoảng 100 thợ thêu bán thời gian ở nhà. Tất cả những lao động thường xuyên đều tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Chị Võ Thị Kim Thúy ở xã An Khánh (Châu Thành) cho biết, ban đầu không biết thêu nhưng được cô Chín Rãng dạy và ở lại làm được 10 năm. Chế độ làm việc ngày 8 giờ, tăng ca trả thêm 20 ngàn đồng/giờ, Tết hưởng lương tháng 13, được tham gia Công đoàn. Thời gian qua, chị Nguyễn Thị Rãng đã dạy nghề thêu cho nhiều đối tượng như phụ nữ nghèo, trẻ em khuyết tật… Các sản phẩm các em khuyết tật được cơ sở hoàn thiện và trả cao hơn 10% so với người bình thường để động viên.
Trải qua bao thăng trầm, có những lúc nghề thêu truyền thống tưởng chừng như mai một nhưng vẫn tồn tại và được gìn giữ. Chị Nguyễn Thị Rãng đã vạch ra một hướng đi mới bằng cách kết hợp các đặc điểm hội họa với những kỹ thuật thêu để thổi hồn vào tác phẩm.
Khi xã hội càng phát triển, nghệ thuật thêu được cải thiện, giữ được bản sắc truyền thống, làm lay động trái tim người ái mộ. Thông qua các tác phẩm thêu, hình ảnh cảnh vật, đất và người được phản ánh sinh động, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước, góp phần tôn vinh vẻ đẹp của quê hương, đất nước.
Chị Nguyễn Thị Rãng hiện là thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Ủy viên Thường trực Hội Nữ doanh nhân tỉnh.
Các sản phẩm thêu của chị đạt được nhiều giải thưởng: bức tranh “Cửu ngư liên hoa” đạt giải nhất Chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tỉnh năm 2011; bộ khăn trải bàn đạt huy chương vàng Dấu hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn.
|
Hữu Nghĩa