Tính đến thời điểm này, Dự án DBRP đã được khởi động tại xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú. Đây là một cơ hội cho công tác giảm nghèo tại địa phương, giúp cho vùng đất này “trở mình” vươn lên phát triển.
Trong thời gian qua, mặc dù xã đã triển khai nhiều kế hoạch giảm nghèo, thành lập các câu lạc bộ giảm nghèo do Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh đảm trách với nhiều mô hình kinh tế, trợ vốn, tạo việc làm để tăng thu nhập…, nhưng số hộ nghèo vẫn còn cao. Nguyên nhân là do các mô hình phát triển kinh tế chưa được phát triển theo chiều sâu và mang tính lâu dài. Để giúp người dân địa phương thoát nghèo, trong thời gian tới, ông Phan Văn Bình - Bí thư xã cho biết: Trong năm 2010, xã sẽ tập trung vào một số mô hình sản xuất mang lại hiệu quả, như mở rộng mô hình bó chổi, tạo việc làm cho người dân; thực hiện phương thức sản xuất “đa cây, đa con”, trong đó: lúa và tôm càng xanh là hai sản phẩm chủ yếu; không ngừng trang bị cho bà con về kỹ thuật chăn nuôi nhằm tăng sản lượng và đạt chất lượng; tạo điều kiện cho bà con thiếu đất sản xuất đi vùng kinh tế mới...
Hiện nay, mô hình sản xuất bó chổi ở Mỹ An đang phát triển, nhất là ấp Mỹ Hòa. Tuy nhiên, quy mô sản xuất của các hộ dân chưa lớn, chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, thông tin thị trường vẫn còn nhiều hạn chế, giá trị sản phẩm còn thấp vì chưa có thương hiệu... Ông Nguyễn Văn Rơ, chủ cơ sở bó chổi tại ấp An Hòa, cho biết: Chúng tôi muốn đầu tư mở rộng thêm cơ sở sản xuất, nhưng gặp khó khăn về vốn. Nếu như chúng tôi được vay vốn, mở rộng quy mô sản xuất thì cơ sở sẽ tăng sản lượng và giải quyết thêm nhiều lao động hơn nữa, tạo thu nhập ổn định cho bà con. Mỗi ngày cơ sở chúng tôi sản xuất trên 1.000 cây chổi, giải quyết cho khoảng 20 lao động nhàn rỗi, với thu nhập từ 50 đến 70 ngàn đồng/ngày. Tuy nhiên, chổi chỉ tiêu thụ trong nước, chưa tìm được thương hiệu của mình và xuất khẩu sang các nước bạn, nên giá thành sản phẩm không cao. Trong thời gian tới, nếu có thể, chúng tôi sẽ đăng ký thương hiệu riêng và xuất khẩu sang nước ngoài.
Qua thực tế cho thấy, nhu cầu được trang bị về kiến thức khoa học - kỹ thuật để ứng dụng trong việc chăn nuôi, trồng trọt cũng là vấn đề bức thiết. Bà Huỳnh Thị Bé (50 tuổi) nói: Nguồn thu nhập chính của gia đình chỉ dựa vào 3 công đất nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa. Nhưng năm qua, do tôm bị chết nên gia đình chẳng những không có lời mà còn phải mắc nợ ngân hàng. Tôi nuôi tôm nhưng không hiểu nhiều về kỹ thuật nên nguy cơ rủi ro rất cao. Nếu năm nào hên thì trúng, năm nào xui thì thất. Tôi hy vọng, trong thời gian tới, chúng tôi nhận được sự hướng dẫn về kỹ thuật nuôi tôm, từ đó có thể phát hiện và xử lý kịp thời khi tôm có dấu hiệu bệnh…, giảm được nhiều rủi ro.
Ông Nguyễn Quốc Bảo - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Dự án DBRP tỉnh vừa có buổi làm việc với Mỹ An về giải pháp giảm nghèo của xã. Ông Quốc Bảo cho rằng: Yếu tố quan trọng và then chốt giúp dân thoát nghèo là xã cần gắn kết với các dự án để được đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ kỹ thuật về nuôi trồng và tiếp cận với vốn vay lãi suất ưu đãi.
Là 1 trong 6 xã nghèo của huyện Thạnh Phú, Mỹ An được Dự án DBRP đầu tư về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ khoa học-kỹ thuật và cho các hộ kinh doanh vay vốn với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện cho người dân địa phương kinh doanh sản xuất. Đây có thể xem như đòn bẩy giúp Mỹ An “vươn mình” trong thời gian tới.