COVID-19 tới 6h sáng 22-8-2021:

Mỹ, Anh dẫn đầu ca nhiễm mới; Vaccine Trung Quốc hiệu quả cao với biến thể Delta

22/08/2021 - 11:25

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 548.000 ca bệnh COVID-19 và 8.462 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 212 triệu ca; Mỹ, Anh dẫn đầu ca nhiễm mới trên toàn cầu, trong khi Trung Quốc khẳng định vaccine trong nước hiệu quả cao chống biến thể Delta.

Chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Juba, Nam Sudan. Ảnh: AFP/TTXVN

Chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Juba, Nam Sudan. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 22-8 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 212.089.231 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.435.315 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 548.731 và 8.462 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 189.724.981 người, 17.928.935 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 109.936 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới với 86.461 ca mới; tiếp theo là Anh (32.058 ca) và Ấn Độ (31.035 ca); Indonesia dẫn đầu về số ca tử vong mới với 1.361 người chết, tiếp theo là Nga (797 ca) và Mexico (767 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ  đến nay là 38.513.996 người, trong đó có 644.823 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 32.423.541 ca nhiễm, bao gồm 434.399 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 20.556.487 ca bệnh và 574.209 ca tử vong.   

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại California, Mỹ ngày 19-8-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại California, Mỹ ngày 19-8-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trung Quốc: Vaccine trong nước bảo vệ 100% bệnh nặng trước biến thể Delta         

Tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 21-8 cho biết, nghiên cứu do CDC Quảng Đông công bố cho thấy các vaccine do nước này sản xuất để đối phó với đại dịch COVID-19 cung cấp "sự bảo vệ tuyệt vời" cho những người được tiêm chủng đầy đủ trước biến thể Delta gây ra. 

Biến thể Delta đã gây ra một đợt bùng phát dịch COVID-19 ở tỉnh Quảng Đông trong tháng 5 và tháng 6. Các chuyên gia nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu thu được từ các khu vực bùng phát dịch để đánh giá khả năng bảo vệ của những vaccine được sản xuất ở Trung Quốc.

Những phát hiện từ công trình nghiên cứu này cho thấy, các vaccine bất hoạt do Trung Quốc phát triển cung cấp khả năng bảo vệ tốt người được tiêm chủng trước biến thể Delta. Hiệu quả bảo vệ của các vaccine này đối với những người được tiêm chủng đầy đủ (14 ngày sau liều thứ hai với khoảng cách 21 ngày giữa hai liều) ở những người 18 tuổi và trên 18 tuổi, lần lượt là 78% và 70%, với khả năng bảo vệ người tiêm 100% trước tình trạng mắc bệnh nặng.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, ngày 19-8-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, ngày 19-8-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nghiên cứu nhấn mạnh rằng, các vaccine bất hoạt sẽ chỉ có hiệu quả nếu người được tiêm chủng tiêm đầy đủ hai liều.   

Cùng ngày 21-8, chính quyền thành phố Thượng Hải đã cách ly hàng trăm người để ngăn chặn một đợt bùng phát COVID-19 mới sau khi phát hiện các ca mắc là các nhân viên bốc dỡ hàng ở sân bay.

Ấn Độ phê duyệt vaccine công nghệ ADN đầu tiên trên thế giới

Cơ quan quản lý dược phẩm của Ấn Độ vừa phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của Zydus Cadila dành cho trẻ em trên 12 tuổi và người trưởng thành. Đây là loại vaccine sử dụng công nghệ ADN đầu tiên trên thế giới.

Vaccine ZyCoV-D sử dụng một đoạn vật liệu di truyền từ virus chứa chỉ dẫn, dưới dạng ADN hoặc ARN, để tạo ra loại protein gai, cơ chế mà virus dùng để bám vào người, qua đó kích hoạt phản ứng của hệ miễn dịch nhận ra và phản ứng lại. Khác với hầu hết các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện có cần 1 đến 2 mũi, vaccine ZyCoV-D được chia thành 3 mũi. Zydus Cadila cho biết loại vaccine này giữ được "trạng thái ổn định tốt” ở 25 độ C trong ít nhất 3 tháng.

Vaccine ZyCoV-D ngừa COVID-19 của Zydus Cadila. Ảnh: The News Minute/TTXVN

Vaccine ZyCoV-D ngừa COVID-19 của Zydus Cadila. Ảnh: The News Minute/TTXVN

Từ tháng 7, Zydus Cadila đã thông báo vaccine của hãng có hiệu quả trong việc chống lại các biến thể của virus SARS-CoV-2, đặc biệt là biến thể Delta. Hãng đặt mục tiêu sản xuất từ 100 triệu đến 120 triệu liều vaccine ZyCoV-D mỗi năm và đã bắt đầu tích trữ vaccine.

Đây là loại vaccine ngừa COVID-19 thứ 6 được cấp phép sử dụng tại Ấn Độ, nơi mới chỉ có 9,18% dân số được tiêm đủ liều vaccine.

Người dân ngồi chờ theo dõi sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Nezahualcoyotl, Mexico ngày 19-8-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân ngồi chờ theo dõi sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Nezahualcoyotl, Mexico ngày 19-8-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Chuyên gia Israel: Mọi vaccine ngừa COVID-19 đều chống biến chứng nặng tốt như nhau

Với khoảng 60% dân số đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, Israel đang tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm bổ sung mũi thứ 3 cho người dân trong bối cảnh số ca mắc mới vẫn tăng trở lại. 
Phóng viên TTXVN tại Israel đã có cuộc phỏng vấn với Giáo sư Oren Kobiler - Tiến sĩ chuyên ngành vi sinh vật học và miễn dịch tại trường Đại học Tel Aviv về sự nguy hiểm của biến thể Delta, tầm quan trọng của việc tiêm vaccine, cũng như các biện pháp phòng tránh dịch bệnh.   

Giáo sư Oren Kobiler cho biết trong các loại vaccine ngừa COVID-19 đang được sử dụng trên thế giới, có một số loại được sản xuất từ virus bất hoạt, trong khi một số khác được sản xuất theo công nghệ mRNA hay theo công nghệ vector. Tuy nhiên, ông khẳng định mọi loại vaccine đều có thể ngăn ngừa bệnh rất tốt và tương đối giống nhau với nguy cơ biến chứng nặng. Một số vaccine có khác nhau về phản ứng phụ hoặc khả năng ngăn chặn sự lây nhiễm, nhưng điều quan trọng là các loại vaccine hiện nay đều có hiệu quả tốt và có thể ngăn ngừa nguy cơ biến chứng nặng. 

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Tel Aviv, Israel ngày 12-7-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Tel Aviv, Israel ngày 12-7-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Với một tỷ lệ lớn dân số đã được tiêm vaccine, nhưng tỷ lệ lây nhiễm tại Israel vẫn tăng cao trong thời gian qua, xấp xỉ 8.000 ca mắc mới mỗi ngày. Theo Giáo sư Kobiler, tình trạng lây nhiễm tăng mạnh trở lại không chỉ có ở Israel mà cả các nước khác, nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao. Tốc độ lây nhiễm ở Israel cao hơn là bởi quốc gia này là nước tiến hành tiêm vaccine COVID-19 đầu tiên. Những người tiêm sớm dường như đã có sự suy giảm về số lượng kháng thể, tiêm càng lâu thì kháng thể càng giảm. Tuy nhiên, đây là điều đã được các chuyên gia về miễn dịch học dự đoán được từ trước.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện dã chiến ở thành phố Haifa, Israel ngày 11-10-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện dã chiến ở thành phố Haifa, Israel ngày 11-10-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Hàn Quốc gia hạn giãn cách xã hội đến ngày 5-9

Hàn Quốc ngày 21-8 thông báo ghi nhận 1.880 ca mắc mới, đánh dấu số ca mắc trong ngày giảm xuống dưới mức 2.000 sau 2 ngày liên tiếp vọt lên trên mức này. Giới chức Hàn Quốc sẽ gia hạn các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để ứng phó với làn sóng lây nhiễm mới đang mạnh lên nhanh chóng chủ yếu do sự xuất hiện của biển thể Delta.

Trong số các ca mắc mới trong ngày 20-8 có 1.814 ca lây nhiễm trong nước. Hiện Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 234.739 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.202 ca tử vong. Số ca mắc mới trong ngày tại nước này bắt đầu vượt mức 1.000 ca từ ngày 7-7 và liên tục duy trì trên mức này trong 46 ngày liên tiếp. Hiện làn sóng dịch bệnh thứ 4 tại Hàn Quốc chưa có dấu hiệu dịu lại dù  giới chức đã áp dụng nhiều biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, trong đó vùng đô thị Seoul áp dụng hạn chế mức cao nhất là cấp độ 4, trong khi hầu hết những vùng còn lại giãn cách ở cấp độ 3 trong nhiều tuần qua. Các biện pháp giãn cách xã hội sẽ được gia hạn đến ngày 5-9 thay vì hết hiệu lực vào ngày 22-8 như dự kiến trước đó.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 15-8-2021. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 15-8-2021. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Chương trình tiêm chủng của Hàn Quốc bị cho là diễn ra chậm hơn kỳ vọng. Tổng cộng 25,5 triệu người, tương đương 49,7% dân số Hàn Quốc, đã được tiêm 1 mũi vaccine phòng COVID-19 và khoảng 11,1 triệu người được tiêm đủ 2 mũi. Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu tiêm cho 70% dân số vào tháng 9 để đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11. Tuy nhiên, việc hãng dược Moderna (Mỹ) chậm bàn giao vaccine có thể sẽ tác động lớn tới kế hoạch này.

Australia: Các ổ dịch tại 2 bang đông dân nhất vẫn diễn biến phức tạp

Ngày 21-8, Australia thông báo số ca mắc mới ghi nhận trong một ngày cao nhất từ trước đến nay là 894 ca, trong bối cảnh các đợt bùng phát dịch bệnh tại 2 bang đông dân nhất cả nước vẫn đang diễn biến phức tạp.

Người dân chờ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Sydney, Australia ngày 16-8-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân chờ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Sydney, Australia ngày 16-8-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Đây là lần thứ 2 chỉ trong 3 ngày qua Australia ghi nhận mốc mới về số ca nhiễm theo ngày. Phần lớn các ca mắc mới thông báo ngày 21-8 (825 ca) được ghi nhận tại bang New South Wales (NSW), bang đông dân nhất cả nước. Trong khi đó, bang đông dân thứ 2 là Victoria ghi nhận 61 ca mắc mới. Khoảng 50% dân số Australia hiện vẫn đang thực hiện biện pháp phong tỏa.

Tính đến hết chiều 20-8, Australia ghi nhận tổng cộng 42.228 ca mắc COVID-19. Tính đến ngày 20-8, 51% dân số Australia trên 16 tuổi đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng bệnh và khoảng 29% đã được tiêm đầy đủ.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại bang Victoria, Australia ngày 19-8-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại bang Victoria, Australia ngày 19-8-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

New Zeland đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm và tiêm chủng

New Zealand ngày 21-8 cũng thông báo ghi nhận 21 ca mắc mới trong cộng đồng, trong đó có 18 ca ở Auckland và 3 ca ở Wellington. Như vậy, cho đến nay tổng số ca mắc liên quan đến ổ dịch ở Auckland là 51 ca. 

Thủ tướng New Zeland Jacinda Ardern cho biết ngày 20-8 là ngày đánh dấu kỷ lục về số lượng xét nghiệm được thực hiện và số liều vaccine được tiêm tại quốc gia này. Giới chức đã thiết lập thêm nhiều trung tâm xét nghiệm ở Auckland và Wellington để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm. Vì vậy, bà Ardern cho rằng việc số ca mắc mới tăng là điều không quá ngạc nhiên đồng thời dự báo chỉ số này sẽ tiếp tục tăng cho đến hết tuần sau rồi mới bắt đầu giảm. Bà cũng kêu gọi người dân tránh tiếp xúc trực tiếp trong thời gian phong tỏa.

Thái Lan: Làn sóng hiện tại có thể đã qua đỉnh

Giới chức Thái Lan cho biết đã xuất hiện các dấu hiệu cho thấy số ca mắc mới COVID-19 ở nước này đang chững lại, mặc dù vẫn còn cảnh báo rằng cả nước có thể ghi nhận thêm tới 400.000 ca mắc mới.

Trợ lý phát ngôn viên Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) Apisamai Srirangson nói rằng các chỉ số về tình hình bùng phát dịch bệnh có dấu hiệu tích cực, với đường cong dịch tễ của số lượng các ca nhiễm mới không còn theo chiều thẳng đứng nữa. Bà Apisamai cho biết tỷ lệ lây nhiễm ở vùng đô thị Bangkok mở rộng là 41% trong khi tỷ lệ này ở các tỉnh là 59%, và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục. Tuy nhiên, bà cảnh báo công chúng nên cảnh giác vì những người đã được tiêm chủng đầy đủ vẫn có thể bị nhiễm bệnh.

Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 19-8-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 19-8-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, Tiến sĩ Kampanat Porn-yotkrai, một bác sĩ phẫu thuật tiết niệu điều hành trang Facebook "Sarikahappymen", viết rằng làn sóng lây nhiễm COVID-19 hiện tại ở Thái Lan đã vượt qua đỉnh điểm. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng đại dịch còn lâu mới kết thúc. Tiến sĩ Kampanat lưu ý rằng trong đợt bùng phát của biến chủng Delta ở Ấn Độ, các ca lây nhiễm hàng ngày lên đến hơn 400.000 trước khi nhanh chóng chậm lại. Thái Lan có thể đã vượt qua đỉnh 23.000 ca/ngày gần đây.

Theo Tiến sĩ Kampanat, chiều đi lên của đường cong dịch tễ mất từ hai đến ba tháng, vì vậy cũng sẽ mất từ hai đến ba tháng đối với chiều đi xuống. Thái Lan có thể sẽ thấy số ca nhiễm hàng ngày giảm từ 19.000 xuống 18.000 xuống 17.000 cho đến khi đường cong dịch tễ bằng phẳng. Tiến sĩ dự báo sẽ có khoảng 300.000-400.000 ca nhiễm mới trong xu hướng giảm. Dựa trên số liệu thống kê, số người tử vong sẽ đạt đỉnh sau hai tuần, vì vậy có thể có 2.000–3.000 trường hợp tử vong nữa trước khi làn sóng dịch này kết thúc.

 Cảnh vắng vẻ trên một tuyến phố ở Bangkok, Thái Lan khi biện pháp hạn chế được áp dụng nhằm ngăn sự lây lan của dịch COVID-19 ngày 19-8-2021. Ảnh: THX/TTXVN

 Cảnh vắng vẻ trên một tuyến phố ở Bangkok, Thái Lan khi biện pháp hạn chế được áp dụng nhằm ngăn sự lây lan của dịch COVID-19 ngày 19-8-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ca nhiễm tăng mạnh, Brunei gia hạn phong toả toàn quốc thêm 2 tuần

Theo Straits Times, chính phủ Brunei đã quyết định gia hạn các biện pháp phong toả toàn quốc một phần thêm 2 tuần khi nước này ghi nhận thêm 122 ca nhiễm mới, nâng tổng ca nhiễm lên 1.455. 

Số ca nhiễm đã tăng mạnh tại Brunei sau nhiều tháng nước này kiểm soát dịch thành công nhất khu vực, với số ca nhiễm chỉ ở mức 1 con số.

Ngày 21-8 là ngày thứ ba liên tiếp ca nhiễm mới tại Brunei vượt 100.  Hiện tại,c ó 1.095 ca nhiễm đang được điều trị và theo dõi tại Trung tâm Cách ly Quốc gia, với 3 người đang nguy kịch, cần hỗ trợ thở.

Brunei ghi nhận ca nhiễm mới vượt 100 trong 3 ngày liên tiếp, sau khi duy trì không ca nhiễm cộng đồng trong 457 ngày. Ảnh: BORNEO BULLETIN

Brunei ghi nhận ca nhiễm mới vượt 100 trong 3 ngày liên tiếp, sau khi duy trì không ca nhiễm cộng đồng trong 457 ngày. Ảnh: BORNEO BULLETIN

Trước sự kiện phát hiện 7 ca nhiễm cộng đồng hôm 7-8, Brunei duy trì kỷ lục không ca nhiễm cộng đồng trong hơn 1 năm - tổng cộng 457 ngày. Đối mặt với ổ dịch mới và tình hình đại dịch phức tạp do biến thể mới, quốc gia này đã áp dụng những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhất trong 2 ngày, kể từ 21-8.

Campuchia: Ca nhiễm biến thể Delta tiến gần 4 con số    

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, kể từ ca nhiễm biến thể Delta đầu tiên được phát hiện tại Campuchia ngày 31-3 vừa qua, đến ngày 19-8, tổng số ca nhiễm biến thể nguy hiểm này tại Campuchia đã tăng mạnh lên 836 ca, trong đó có tới 121 ca ghi nhận chỉ trong hai ngày 18 và 19-8.

Bộ Y tế Campuchia cho biết biến thể Delta tiếp tục lây lan trong cộng đồng trên hầu khắp đất nước, đặc biệt tại các tỉnh Phnom Penh, Oddar Meanchey, Siem Reap, Preah Vihear, Kampong Cham, Kampong Thom, Kandal và Banteay Meanchey. Hiện chỉ còn hai tỉnh chưa bị biến thể này tấn công là Kep và Kratie.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia ngày 16-8-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia ngày 16-8-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù số ca mắc COVID-19 tại các tỉnh tiếp tục tăng, cùng với mối đe dọa từ biến thể Delta khi lao động di cư Campuchia ồ ạt trở về nước, nhưng tổng số ca mắc COVID-19 trên cả nước lại ở mức thấp hơn dự kiến.

Trong thông cáo ngày 21-8, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có thêm 16 ca tử vong và 493 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 189 ca nhập cảnh.

Người dân xếp hàng chờ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân xếp hàng chờ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Singapore thu hẹp quy mô diễu hành mừng Quốc khánh vì đại dịch

Cuộc diễu hành mừng Quốc khánh (9-8) bị hoãn trước đó của Singapore đã được tổ chức vào chiều 21-8 tại Vịnh Marina bắt đầu từ 18h05 (theo giờ địa phương) và được truyền hình trực tiếp trên truyền hình, cũng như trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook và YouTube.

Phần diễu hành và buổi lễ sẽ có các màn trình diễn trên không của máy bay chiến đấu và các vận động viên nhảy dù Sư tử đỏ (Red Lions) với chủ đề tôn vinh tinh thần kiên cường và quyết tâm không gì là không thể của người dân Singapore trước đại dịch COVID-19.

Khoảng 600 người đã đeo khẩu trang tham gia cuộc diễu hành. Ảnh: Straits Times

Khoảng 600 người đã đeo khẩu trang tham gia cuộc diễu hành. Ảnh: Straits Times

Màn trình diễn năm nay chỉ có 600 nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp trên sân khấu The Float@Marina Bay, giảm đáng kể so với con số 3.000 người của năm 2018. Ngoài ra, chương trình sẽ được lồng ghép với màn trình diễn được ghi hình trước đó của 600 người đến từ các khối trường học, các tổ chức cộng đồng, Hiệp hội Nhân dân (PA). Singapore cũng lần đầu tiên trình chiếu bộ phim hoạt hình với hiệu ứng thực tế khuếch đại, phục vụ người dân xem trực tiếp trên truyền hình.

Ban Tổ chức lễ diễu hành cho biết các nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu đều đã được tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19, chia thành các nhóm nhỏ khoảng 50 người, thường xuyên xét nghiệm tại các buổi tập luyện, tổng duyệt và theo dõi sức khỏe chặt chẽ. Vé tham dự không được bán ra công chúng mà chỉ dành cho khách mời, gồm những người có nhiều đóng góp trong cuộc chiến chống COVID-19. 

Chôn cất thi thể bệnh nhân COVID-19 tại một nghĩa địa ở Selangor, Malaysia ngày 13-8-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Chôn cất thi thể bệnh nhân COVID-19 tại một nghĩa địa ở Selangor, Malaysia ngày 13-8-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Philippines: Ca nhiễm mới cao thứ 2 từ trước đến nay

Ngày 21-8, Philippines thông báo ghi nhận thêm 16.694 ca mắc mới COVID-19. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao thứ 2 kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 1-2020.
Hiện quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 1.824.051 ca mắc COVID-19, trong đó có 31.596 ca tử vong. Theo Bộ Y tế Philippines, các biến thể của virus SARS-CoV-2, trong đó có biến thể Delta, là một trong những nguyên nhân dẫn tới làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 hiện nay. Ngoài ra, việc người dân không tuân thủ quy định phòng dịch, truy vết và phát hiện chậm cũng góp phần làm dịch bệnh lây lan. 

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN