 |
Khalid Sheikh Mohammed. Ảnh Reuters. |
Lầu Năm Góc đã đưa ra nhiều tội danh đối với sáu nghi phạm chủ chốt vụ khủng bố 11/9. Bên nguyên đang tìm kiếm án tử hình chống lại các nghi phạm này.
Trong cuộc họp báo ngắn, Thomas Hartman - một cố vấn pháp luật Lầu Năm Góc - cho hay, họ sẽ đệ trình bản cáo trạng chống lại sáu người đàn ông, trong đó có Khalid Sheikh Mohammed, được coi là kẻ vạch kế hoạch vụ khủng bố 11/9.
Theo Hartman, các nghi phạm sẽ bị buộc tội giết người, đồng lõa giết người, tấn công dân thường, cố ý gây thương tích, khủng bố và không tặc. Cố vấn pháp luật Lầu Năm Góc khẳng định, những công tố viên quân sự sẽ đệ trình bản cáo trạng với một đề nghị là án tử hình cho các nghi phạm và quan tòa sẽ phải thông qua các cáo buộc cũng như đề nghị của công tố viên.
Toàn bộ sáu nghi phạm đều bị buộc tội giúp đỡ, vạch kế hoạch vụ tấn công 11/9. Ngày 11/9/2001, 19 người đàn ông đã cướp bốn máy bay, đâm hai chiếc vào Trung tâm thương mại tại New York, một vào Lầu Năm Góc ở Washington, chiếc máy bay còn lại rơi xuống gần Shanksville, Pennsylvania. Gần 3.000 người trong đó có những kẻ không tặc đã chết trong những vụ tấn công này.
Sáu nghi phạm bị buộc tội trong đó có Mohammed al-Qahtani, còn gọi là kẻ không tặc thứ 20 trong vụ 11/9; Ramzi bin al-Shibh, bị coi là trung gian giữa những kẻ không tặc và lãnh đạo al-Qaida; Ali Abd al-Aziz Ali, trung úy của Mohammed; Mustafa Ahmed al-Hawsawi, trợ tá của al-Baluchi và Walid bin Attash, bị buộc tội tuyển chọn và huấn luyện một số không tặc.
Nếu quan tòa phê chuẩn bản cáo trạng, thì đây là lần đầu tiên, những tù nhân Guantanamo bị kết án trong vụ khủng bố 11/9. Khoảng 380 người đang bị giam giữ ở Guantanamo.
Sáu nghi phạm Guantanamo sẽ bị đưa ra xét xử theo một hệ thống trong Luật Thiết lập các Uỷ ban Quân sự (Military Commissions Act) đã được Quốc hội Mỹ thông qua. Luật này cung cấp cho các nghi phạm khủng bố một giới hạn trong quyền kháng cáo, giảm bớt quyền xét cử của các tòa án liên bang.
Các nghi phạm sẽ có luật sư, được phép xem các bằng chứng tối thiểu chống lại họ.
Thomas Hartman khẳng định, sẽ không có ’’phiên xét xử bí mật’’.