Mỹ, Hàn Quốc cung cấp thông tin không nhất quán về tập trận hạt nhân

03/01/2023 - 10:30

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trả lời ngắn gọn “không” khi phóng viên đặt câu hỏi về thảo luận tập trận hạt nhân chung giữa Mỹ và Hàn Quốc. Điều này hoàn toàn trái ngược với thông tin Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đưa ra trước đó.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sau bài phát biểu trong chuyến thăm nhà máy sản xuất chip của tập đoàn Samsung tại Pyeongtaek, ngày 20-5-2022. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sau bài phát biểu trong chuyến thăm nhà máy sản xuất chip của tập đoàn Samsung tại Pyeongtaek, ngày 20-5-2022. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin ngày 2-1, Tổng thống Biden đã phủ nhận rằng Mỹ đang thảo luận với phía Hàn Quốc về tập trận chung hạt nhân.

Trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn được tờ Chosun Ilbo (Hàn Quốc) đăng ngày 2-1, ông Yoon Suk-yeol nói Seoul và Washington đang thảo luận về các cuộc tập trận chung có thể sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc nhấn mạnh: “Vũ khí hạt nhân thuộc về Mỹ, nhưng việc lập kế hoạch, chia sẻ thông tin, tập trận và huấn luyện nên được phối hợp thực hiện giữa Hàn Quốc và Mỹ”. Tờ Chosun Ilbo dẫn lời ông Yoon Suk-yeol nói rằng kế hoạch và các cuộc tập trận chung sẽ nhằm mục đích thực hiện hiệu quả hơn sự "răn đe mở rộng" của Mỹ và Washington cũng "khá tích cực" về ý tưởng này.

Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), “răn đe mở rộng” là thuật ngữ miêu tả năng lực của quân đội Mỹ, đặc biệt là lực lượng hạt nhân nước này, chống lại các cuộc tấn công vào đồng minh của Washington.

Trong một diễn biến khác, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 1-1 đưa tin nước này đã tiến hành thử nghiệm bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn vào sáng 31-12-2022. Theo KCNA, bệ phóng tên lửa đa nòng đã bắn 3 loạt đạn trúng đảo mục tiêu ở vùng biển phía Đông, chứng minh được năng lực chiến đấu của hệ thống.

Ngoài ra, KCNA cũng thông báo, vào rạng sáng 1-1, một đơn vị pháo tầm xa thuộc quân khu miền Tây của Quân đội Nhân dân Triều Tiên đã sử dụng bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn bắn một loạt đạn ra vùng biển phía Đông.

Nhà nghiên cứu Hong Min tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc nhận định: “Năm nay có thể là một năm khủng hoảng với căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên vượt quá mức của năm 2017”. Ông Hong Min đề cập đến khoảng thời gian của “hỏa lực và thịnh nộ” dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cựu Tổng thống Trump từng cảnh báo Triều Tiên sẽ có thể hứng chịu "hỏa lực và thịnh nộ" sau khi nước này tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 hồi tháng 9-2017.

Ông Hong Min nhận định: “Lập trường cứng rắn của Triều Tiên… và việc đẩy mạnh phát triển vũ khí kết hợp với các cuộc tập trận chung của Hàn Quốc - Mỹ và phản ứng tương xứng có thể làm gia tăng căng thẳng trong nháy mắt”.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN