Phát biểu họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết Washington sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhằm đạt được thỏa thuận hòa bình giữa Azerbaijan và Armenia, đồng thời đánh giá một thỏa thuận như vậy là "khả thi".
Ông Miller lưu ý Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp các nhà lãnh đạo Azerbaijan và Armenia trong khuôn khổ Hội nghị An ninh Munich tại Đức tuần trước. Tại đây, ông Blinken đã tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với tiến trình hòa bình, nhấn mạnh hai nước đang nỗ lực giải quyết một số vấn đề còn tồn tại.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (giữa) trong cuộc gặp Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan (trái) và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tại Munich, ngày 17-2-2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước đó, hôm 17-2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã nhất trí giải quyết bất đồng giữa hai nước thông qua các biện pháp hòa bình.
Thủ tướng Đức đưa ra thông báo trên sau cuộc gặp 3 bên với các nhà lãnh đạo Azerbaijan và Armenia bên lề Hội nghị An ninh Munich. Cam kết tránh xung đột cho thấy căng thẳng giữa Azerbaijan và Armenia có dấu hiệu hạ nhiệt.
Hai nước láng giềng trên đã vướng vào cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ về quyền kiểm soát khu vực Nagorny - Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn sáp nhập vào Armenia. Các cuộc đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Nagorny-Karabakh đã được tổ chức từ năm 1992 với sự trung gian của nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), cùng vai trò tham gia của Nga, Pháp, Mỹ, Belarus, Đức, Italy, Thụy Điển, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, song cũng không thể hạ nhiệt được các cuộc xung đột nhiều lần tái diễn.
Ngày 19-9-2023, Azerbaijan bất ngờ đưa quân đến Nagorny-Karabakh và chỉ sau một ngày giao tranh, nước này tuyên bố đã giành lại quyền kiểm soát khu vực này sau khi lực lượng người sắc tộc Armenia hạ vũ khí và giải tán lực lượng.
Nguồn: TTXVN