Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 25-10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc đưa ra một lộ trình hướng đến hòa bình cho cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas tại Dải Gaza, trong đó có giải pháp hai nhà nước và bình thường hóa quan hệ giữa quốc gia Do Thái và các nước láng giềng Arab.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Australia Anthony Albanese ở Nhà Trắng, Tổng thống Biden tái khẳng định sự ủng hộ của Washington đối với giải pháp hai nhà nước để người dân Israel và Palestine có thể cùng chung sống hòa bình trong tương lai.
Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi tất cả các bên liên quan cũng như các nhà lãnh đạo khu vực và thế giới thúc đẩy con đường hướng đến giải pháp hòa bình cho xung đột dai dẳng Israel-Palestine.
Cùng ngày, đặc phái viên hàng đầu của Mỹ về Trung Đông, bà Barbara Leaf, đã đến Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), bắt đầu chuyến thăm Trung Đông để tham vấn với đại diện các đối tác của Washington nhằm thúc đẩy các nỗ lực ngăn chặn xung đột trong khu vực.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông và Bắc Phi, các chặng dừng chân tiếp theo của bà Leaf sau UAE là Qatar, Kuwait, Oman, Ai Cập, Jordan và Israel. Tại các cuộc gặp, bà sẽ thảo luận vấn đề viện trợ nhân đạo cho dân thường.
Trong khi đó, tại cuộc điện đàm cũng vào ngày 25-10 với Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định Berlin sẽ tiếp tục thúc đẩy nỗ lực bảo vệ dân thường, cho phép tiếp cận cũng như cung cấp nhân đạo cho người dân ở Dải Gaza.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Thủ tướng Scholz và Tổng thống Mohammed bin Zayed Al Nahyan nhất trí hai bên sẽ nỗ lực ngăn chặn cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và Hamas lan rộng cũng như tìm ra giải pháp chính trị chấm dứt giao tranh.
Chính phủ Đức kêu gọi tạo điều kiện để đưa hàng hóa nhân đạo vào Gaza theo các giai đoạn. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Sebastian Fischer, Berlin ủng hộ ý tưởng thiết lập các "cửa sổ nhân đạo" hoặc “khung thời gian cho phép đưa hàng hóa đến người dân.”
Bên cạnh đó, Đức cũng kêu gọi tạo điều kiện để những nhân viên của Liên hợp quốc đưa các đoàn xe cứu trợ vào Gaza và phân phối hàng hóa cho người dân một cách an toàn.
Ý tưởng thiết lập "các cửa sổ nhân đạo" cũng đã được Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đưa ra tại cuộc thảo luận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về đề mục “Tình hình Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine" trong ngày 24-10.
Trước đó một ngày, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cũng bày tỏ tin tưởng lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu sẽ ủng hộ lời kêu gọi tạm dừng xung đột để cho phép hàng hóa cứu trợ vào Dải Gaza.
Liên quan đến công tác cứu trợ tại Dải Gaza, ngày 25-10, tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Ai Cập thông báo đã tiếp nhận tổng cộng 41 máy bay vận chuyển 864 tấn hàng viện trợ y tế, lương thực và hàng cứu trợ khẩn cấp từ các nước và tổ chức quốc tế nhằm hỗ trợ người dân Dải Gaza.
Số hàng viện trợ này đã được bốc dỡ và vận chuyển đến cửa khẩu Rafah trước khi bàn giao cho tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Palestine. Ngoài ra, còn có 3 xe cứu thương và 19 bác sĩ đã được tăng cường cho hoạt động cứu trợ người dân Palestine ở Dải Gaza.
Lô hàng viện trợ quốc tế đến từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Tổ chức Chữ thập đỏ Quốc tế và các nước bao gồm Jordan, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Tunisia, Qatar, Venezuela, Brazil, Nga, Pakistan, Ấn Độ, Algeria và Kuwait.
Nguồn: TTXVN/Vietnam+