Sau cuộc gặp tại Nhà Trắng với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, ông Bush đã khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ là "đối tác chiến lược và đồng minh mạnh của Mỹ", và các tay súng thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) là "kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ, của Iraq tự do và của Mỹ". Theo AFP, ông Bush đã công bố nhóm đối tác quân sự ba bên mới gồm Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq để tăng cường chia sẻ thông tin tình báo về PKK. Chủ nhân Nhà Trắng cho biết thêm Washington cũng đang xem xét cắt nguồn cung cấp tài chính cho các tay súng Kurd và kiểm soát việc đi lại của những đối tượng này.
Trong bối cảnh Pakistan chìm sâu vào khủng hoảng chính trị, Tổng thống Bush không muốn nhìn thấy sự leo thang căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ - một đối tác chống khủng bố quan trọng khác của Mỹ - với các đồng minh Mỹ ở miền bắc Iraq. Việc Ankara đánh sang miền bắc có thể gây bất ổn cho khu vực này và có thể tạo tiền lệ cho các nước khác, chẳng hạn như Iran, vốn cũng xung khắc với các tay súng Kurd.
Thổ Nhĩ Kỳ, với lực lượng quân đội lớn thứ nhì trong NATO, đã tập trung 100.000 binh lính sát biên giới với Iraq với sự yểm trợ của xe tăng, trọng pháo và máy bay chiến đấu. Ankara đang đe dọa đánh sang miền bắc Iraq bởi họ cho rằng PKK sử dụng các cơ sở ở đây để thực hiện các vụ tấn công ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trước cuộc gặp với ông Bush, ông Erdogan tuyên bố rõ ràng rằng ông muốn Washington thực thi "những bước đi cứng rắn" nhằm xử lý PKK để đổi lấy sự kiềm chế của Ankara. Sau cuộc gặp, ông Erdogan hoan nghênh đề nghị hợp tác của Mỹ nhưng khẳng định Ankara vẫn không loại trừ khả năng hành động quân sự. Ông nhắc lại rằng Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ tháng trước đã thông qua nghị quyết cho phép chính phủ đánh PKK. "Đây là sứ mệnh hành động chỉ nhằm vào PKK, chứ không phải là dân thường (người Kurd ở Iraq)", Reuters dẫn lời ông Erdogan.
Người Thổ coi cuộc gặp với Tổng thống Bush là cơ hội cuối cùng để tránh một hành động quân sự. Thủ tướng Erdogan đang phải chịu sức ép từ trong nước đòi triệt hạ PKK sau hàng loạt vụ tấn công nhằm vào binh lính Thổ trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, áp lực trên phần nào giảm đi sau khi PKK cuối tuần qua đã trả tự do cho 8 lính Thổ bị họ bắt giữ nhiều ngày trước đó.
Tổng thống Bush hoan nghênh sự kiện này và cho biết chính phủ Erdogan đã trao đổi với Mỹ về việc cứu các quân nhân này. "Ít nhất đã có một biện pháp hiệu quả để người dân Thổ Nhĩ Kỳ thấy rằng, khi hợp tác với nhau, chúng ta có thể hoàn thành các mục tiêu quan trọng", AP dẫn lời ông Bush. Chính vì vậy, theo giới quan sát, dù những lời hứa mà ông Bush đưa ra trong cuộc gặp không mới mẻ lắm so với các tuyên bố ủng hộ trước đó, nhưng giới chức Thổ, đặc biệt là ông Erdogan cũng hài lòng bởi chí ít Ankara và Washington đã có được cách tiếp cận chung trong việc xử lý PKK. Tuy nhiên, từ những căng thẳng liên quan đến PKK, vấn đề biên giới Iraq-Thổ từ nay sẽ chiếm một vị trí quan trọng hơn trong chính sách