Theo đánh giá của Sở Công thương, tại hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2009, được tổ chức vào ngày 9-1 thì trong năm 2008, tình hình thị trường có nhiều chuyển biến.
Các doanh nghiệp thể hiện sự cố gắng trong hoạt động, từng bước thích nghi với thị trường, đẩy mạnh sản xuất, tăng cường xuất khẩu. Trong năm trên địa bàn tỉnh, có thêm 27 công ty, doanh nghiệp, 144 cơ sở kinh tế cá thể mới đi vào hoạt động, nâng tổng số 173 doanh nghiệp và 9.127 cơ sở kinh tế cá thể, giải quyết việc làm thêm cho 1.870 lao động.
Bà Dương Ngọc Duyên-Giám đốc Sở Công thương nhận định: Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu đạt 184 triệu USD, tăng cao nhất từ trước đến nay. Giá trị sản xuất công nghiệp cả năm là 3.022 tỷ đồng, tăng 17,17%, trong đó doanh nghiệp trong nước: 2.926,7 tỷ đồng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: 95,3 tỷ đồng. Thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, mức tăng trưởng tốt và ổn định: thị trường Châu Á chiếm tỷ trọng (53,86%) EU (25,88%) tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Thị trường Châu Mỹ tăng 40,92% nhưng chiếm tỷ trọng chỉ 6,95% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh thâm nhập thêm 12 nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt 10.925 tỷ đồng, chỉ số tiêu dùng và dịch vụ tăng 22%. Sản lượng điện thương phẩm đạt 392 triệu kWh… Tuy nhiên, ngành công thương cũng nhìn nhận còn những mặt yếu như: Giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp có tăng khá nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra. Một số sản phẩm chủ yếu: đường cát, bột cá, dầu dừa, thuốc lá điếu sản lượng giảm. Một số đề án, chương trình thực hiện còn chậm do thiếu tính khả thi hoặc điều hành chưa tập trung. Giá cả đầu vào tăng ảnh hưởng giá thành sản phẩm. Giá cả thị trường biến động với biên độ cao, doanh nghiệp không kịp điều tiết hoạt động sản xuất kinh doanh. Sản xuất còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó khăn vốn, thị trường, nguồn nguyên liệu. Thị trường diễn biến phức tạp, sự phối hợp giữa các ngành chưa chặt chẽ, nắm bắt tình hình thực tế chưa sát. Nguyên nhân của hạn chế do đầu tư hạ tầng khu công nghiệp chậm, không kịp thời đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, bỏ lỡ nhiều cơ hội thu hút vào lĩnh vực công nghiệp. Tiến độ đầu tư chủ doanh nghiệp còn chậm, có doanh nghiệp đi vào hoạt động thiếu lao động. Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dừa chưa thích nghi yêu cầu mới trong vận chuyển xuất khẩu…
Trong năm 2009, dự báo kinh tế thế giới tiếp tục tiềm ẩn rủi ro khó lường. Trong nước nền kinh tế còn khó khăn, thách thức, cân đối vĩ mô chưa ổn, tỉnh quyết tâm đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Khu công nghiệp Giao Long, An Hiệp được đầu tư hoàn thiện. Khu công nghiệp Giao Long triển khai giai đoạn 2. Với mục tiêu phấn đấu là giá trị sản xuất công nghiệp tăng 26,41% (so với năm 2008), tổng mức bán lẻ tăng 20%, kim ngạch xuất khẩu 212 triệu USD. Giải pháp kèm theo của ngành là hoàn tất xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2020, quy hoạch khu công nghiệp đến năm 2020 để định hướng cho việc phát triển công nghiệp trong tình hình mới.
Ông Nguyễn Văn Hiếu-Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu: Công thương là ngành lớn, có vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và triển khai các hoạt động của tỉnh, liên quan đến thu nhập dân cư, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Để thực hiện đạt Nghị quyết đề ra, đòi hỏi sự phấn đấu và hỗ trợ của các ngành. Ông Nguyễn Văn Hiếu đề nghị cần tập trung phát triển công nghiệp tốc độ cao đi đôi với chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm. Quan hệ tốt với các bộ, ngành Trung ương để tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp cận các nguồn hỗ trợ, đặc biệt là chủ trương đầu tư kích cầu nguồn vốn 300.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp. Phối hợp với các ngành đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng khu công nghiệp An Hiệp, khu công nghiệp Giao Long giai đoạn 2, tạo mũi nhọn đột phá, tạo sản phẩm mới. Tăng cường xúc tiến thương mại, xúc tiến thị trường. Quản lý ổn định thị trường nội địa. Xu thế chung là doanh nghiệp liên kết, tăng sức cạnh tranh, phát huy sản phẩm thế mạnh của địa phương.