Năm Thìn ông Năm Công nói chuyện kiểng rồng

14/01/2024 - 16:09

BDK.VN - Ông Nguyễn Văn Công (mọi người quen gọi là ông Năm Công ở ấp Phú Long (xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách) nổi danh với nghề sản xuất kiểng thú (12 con giáp).

Nghệ nhân Năm Công chăm sóc kiểng rồng phục vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn - 2024.

Nghệ nhân Năm Công chăm sóc kiểng rồng phục vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn - 2024.

Từ trong nước…

Ông Năm Công khởi nghiệp kiểng thú vào năm Bính Thìn (1976), trong 12 con giáp ông chọn con rồng lại trúng vào năm Thìn vì ông rất thích con rồng. Ông Năm Công chia sẻ: “Tôi trồng kiểng vào năm 1975, sau ngày giải phóng tôi càng vui hơn vì không còn chiến tranh, tôi tha hồ chơi kiểng. Năm 1976, tôi thấy hình con rồng oai phong quá so với 11 con giáp còn lại. Lúc đó, tôi 29 tuổi biết rõ rồng thuộc nhóm tứ linh (Long - Lân - Qui - Phụng). Từ đó, tôi chọn con rồng làm kiểng để ở nhà ngắm chơi. Lúc đầu làm kiểng con rồng khá vất vả, phải bỏ nhiều vì không giống lắm. Con đầu tiên làm dài khoảng 1,5m. Khó nhất là làm cái đầu rồng cho thật giống. Tôi dựa theo hình đầu rồng thời nhà Trần vì nó rất oai phong. Rồng có một vị trí vô cùng quan trọng trong phong thủy. Không chỉ là một biểu tượng mạnh mẽ, nó còn là vị thánh bảo trợ cho mọi mặt của cuộc sống, mang lại nhiều phước lành và bảo vệ cho con người. Năm nay, tôi 77 tuổi nhiều đêm suy nghĩ thấy cũng đúng, gần nửa thế kỷ làm kiểng rồng mà hiện nay kinh tế gia đình khá giả, còn trước năm 1975 nhà tôi còn nghèo lắm”.

Bắt đầu từ năm 1978, ông Năm Công có nhiều kinh nghiệm sản xuất kiểng rồng. Tết Nguyên đán Kỷ Mùi - 1979, ông Năm Công chở 4 cặp kiểng rồng đi bán chợ Tết ở TP. Hồ Chí Minh. Lúc này kiểng rồng ông Năm Công làm bằng cây mai hương lá nhỏ, do mai dễ chết nên lợi nhuận không nhiều. Ông phải ngưng bán kiểng rồng ở TP. Hồ Chí Minh để nghiên cứu lại.

Nòng sắt, kẽm… thân và đầu rồng thì được rồi, còn cây lá phải đổi. Ông Năm Công chuyển sang cây sanh để tạo kiểng rồng. Sau vài năm ông thấy cây sanh cứng dễ gãy khi uốn cong tạo dáng, vậy là bỏ, ông lại chuyển sang cây si làm nguyên liệu cho kiểng rồng do cây si thân dẽo.

Khoảng năm 1980, ông Nguyễn Xuân Kỷ (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) đặt ông Năm Công làm cặp kiểng rồng dài khoảng 7m, cao khoảng 2m bằng cây sanh với giá 15 triệu đồng, để ở nhà Bảo tàng tỉnh cho đến nay (nơi đây trước năm 1975 bà con gọi Dinh Tỉnh trưởng).

… Đến nước ngoài

Ông Năm Công cho biết thêm: “Khi phát hiện cây si có lợi thế làm kiểng rồng nên tại xã Hưng Khánh Trung B tôi trồng 3ha cây si cao đến 9m để làm kiểng thú. Từ năm 2000 đến 2013 là đỉnh cao trong làm và bán kiểng rồng. Thời gian đó mỗi năm tôi bán khoảng 200 con rồng lớn nhỏ (từ kiểng rồng dài 2m đến 55m) và được nhiều phần khen thưởng từ Trung ương tới địa phương.

Năm 2013, tôi bán kiểng rồng sang Singapore, Úc, Campuchia theo đơn đặt hàng đi bằng đường tàu biển. Sau đó tôi phải đi máy bay qua bên đó để lắp ráp kiểng rồng lại và hướng dẫn khách hàng cách chăm sóc. Ở Singapore tôi được báo, đài giới thiệu rất nghiêm túc, hấp dẫn. Họ nói sản phẩm kiểng rồng từ quê hương Đồng Khởi, tỉnh Bến Tre của Việt Nam sang đất nước Singapore chúng ta. Tôi xem truyền hình, đọc báo được người khác dịch lại mà thấy tự hào vô cùng” .

Năm 2018, ông Năm Công sản xuất 5 cặp rồng dài 55m, đường kính thân rồng cỡ 1m, tổng trị giá khoảng 500 triệu đồng, giao ở Hà Nội và TTP. Hồ Chí Minh. 10 con rồng dài 55m, Ông sử dụng hết khoảng 200kg sắt, kẽm, chì… 15 người ráp xong từ 15 - 20 ngày. Ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ ông Năm Công giao kiểng rồng gần giáp.

Bên cạnh kiểng rồng, ông Năm Công còn sản xuất thêm các loại kiểng: 11 con giáp còn lại, nhà mát, lộc bình, ngà voi, bình trà, bộ chữ ở cổng chào…  Ông đã làm nhiều cặp kiểng đầu trâu thân người chào quý khách, cao 3m (4 triệu đồng/sản phẩm), 11 môn thi đấu hình người ông Năm Công làm luôn bán giá 2 triệu đồng/sản phẩm cho Công ty cổ phần Cây xanh Sài Gòn mua để phục vụ SEA Games 22 (Đại hội Thể thao Đông Nam Á - 2003 tổ chức tại Việt Nam). Năm 2023, ông Năm Công làm 30 cặp kiểng rồng để giao cho khách theo đơn đặt hàng (khách hàng chủ yếu nhận kiểng rồng vào dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn - 2024).

Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Phạm Anh Linh đánh giá cao kiểng rồng của ông Năm Công: “Ông Năm Công là nghệ nhân có thương hiệu sản xuất kiểng thú theo 12 con giáp, nhất là kiểng rồng. Đến nay, huyện Chợ Lách có khoảng 20 cơ sở làm kiểng thú từ cơ sở của nghệ nhân Năm Công”.

Các giải thưởng nghệ nhân Năm Công từng được nhận: Năm 2003, Hội Sinh vật cảnh TP. Hồ Chí Minh tặng giấy khen tại Hội chợ sinh vật cảnh nông nghiệp huyện Củ Chi. Năm 2008, được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thánh tích xuất sắc trong ứng dụng sản xuất phát triển kinh tế. Năm 2009, đạt giải Vàng tại Lễ hội - Hội chợ sinh vật cảnh nông nghiệp - Sản phẩm làng nghể huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) lần 1. Năm 2009, UBND huyện Chợ Lách tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Hội sinh vật cảnh. Năm 2010, Ban tổ chức Lễ hội sinh vật cảnh Việt Nam trao giấy khen vì có nhiều thành tích tham dự lễ hội sinh vật cảnh Việt Nam. Năm 2013, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển sinh vật cảnh Việt Nam. Năm 2019, được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục đôi trâu bằng chỉ xơ dừa lớn nhất Việt Nam.

  Bài, ảnh: Hoàng Vũ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN