
Sau đào tạo, đa số cán bộ, công chức, viên chức có chuyển biến tích cực cả về nhận thức và kết quả thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Lê Duy
Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
Là cơ quan tham mưu công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐT, BD) cho UBND tỉnh, năm 2020, Sở Nội vụ đã triển khai kế hoạch, quyết định về công tác ĐT, BD đến tất cả các sở, ban ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố. Mục tiêu nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC). Vì vậy, các nội dung được chú trọng ĐT gồm: chuyên môn nghiệp vụ (trình độ sau đại học); BD lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm, tin học và ngoại ngữ... Hàng năm, từng cơ quan, đơn vị căn cứ vào quy hoạch CB, CC, VC và nhu cầu nhiệm vụ để xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch ĐT, BD cho CB, CC, VC.
Đến cuối tháng 12-2020, các mục tiêu của kế hoạch ĐT, BD giai đoạn 2016 - 2020 đã cơ bản hoàn thành. Cụ thể, đối với CB, CC cấp tỉnh, cấp huyện: 90% CB, CC đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định trước khi bổ nhiệm vào ngạch, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo, quản lý. 70% CB, CC được cập nhật kiến thức pháp luật, BD về đạo đức công vụ; cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ hàng năm.
Đối với CB, CC và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã: 95,3% CB cấp xã và 99,9% CC cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên. 90% CC cấp xã có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí đang đảm nhiệm. 60% CB, CC cấp xã được BD cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp, đạo đức công vụ hàng năm.
Đối với VC: 99,6% VC đạt chuẩn về trình độ chuyên môn. 45% VC được BD theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. 60% VC giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được BD năng lực, kỹ năng quản lý trước khi bổ nhiệm. 60% VC được BD về đạo đức nghề nghiệp, cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành hàng năm.
Đối với đại biểu HĐND các cấp: 100% đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 được BD kiến thức pháp luật, kiến thức, kỹ năng và phương pháp hoạt động.
Những kết quả trên cho thấy, các cơ quan, đơn vị, địa phương luôn quan tâm đến công tác ĐT, BD CB, CC, VC và xem đây là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ CB, CC, VC của tỉnh đã được nâng lên đáng kể so với thời điểm năm 2016. Phương pháp, hình thức tổ chức ĐT, BD từng bước có cải tiến theo hướng tích cực, chủ động cho người học, sát với thực tế công tác của CB, CC, VC. Việc ban hành các văn bản chuyên đề về ĐT, BD đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xác định thẩm quyền, trách nhiệm, phân cấp quản lý công tác này. Sau ĐT, đa số CB, CC, VC có chuyển biến tích cực cả về nhận thức và kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; có bản lĩnh chính trị vững vàng; có các kỹ năng giao tiếp, tổ chức, giải quyết tranh chấp đất đai và quản lý công việc được ứng dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả.
Bên cạnh kết quả, công tác ĐT, BD thời gian qua còn một số hạn chế. Một số chỉ tiêu chưa đạt như CB, CC đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định trước khi bổ nhiệm vào ngạch, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo, quản lý (90/100%). VC được BD theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (45/60%). VC giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được BD năng lực, kỹ năng quản lý trước khi bổ nhiệm (60/70%). Việc tổ chức đánh giá chất lượng sau ĐT, BD còn hạn chế.
Nhiệm vụ giai đoạn 2020 - 2025
Trong giai đoạn 2020 - 2025, công tác ĐT, BD sẽ có bước chuyển mới. ĐT, BD để chuẩn hóa đội ngũ CB, CC, VC vẫn là nhiệm vụ thường xuyên nhưng trọng tâm sẽ là ĐT, BD để phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho định hướng phát triển của tỉnh.
Một trong 3 nhiệm vụ đột phá được xác định tại Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: Phát triển nguồn nhân lực phù hợp tầm nhìn chiến lược đến năm 2030 và 2045; tập trung xây dựng nhân lực khoa học công nghệ, chuyển đổi số, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vào 3 đề án, kế hoạch lớn để phát triển kinh tế - xã hội, đó là: Kế hoạch số 6445/KH-UBND ngày 2-12-2020 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27-7-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam; Kế hoạch số 7002/KH-UBND ngày 29-12-2020 của UBND tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 2581/QĐ-UBND ngày 9-10-2020 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025 tầm nhìn đến 2030.
Để thực hiện thành công các nội dung trên, đòi hỏi phải xây dựng nguồn nhân lực tương xứng với nhiệm vụ. Chuyển đổi số chỉ thành công khi có sự chuẩn bị tốt ở 3 phương diện: nhân lực, thể chế và công nghệ. Trong chương trình chuyển đổi số quốc gia đã chỉ ra các nhiệm vụ chính trong phát triển nguồn nhân lực là lựa chọn, ĐT đội ngũ về chuyển đổi số cho ngành, lĩnh vực, địa phương. Các chuyên gia này tiếp tục ĐT lại cho CB liên quan ở cơ quan, tổ chức mình và trở thành lực lượng nòng cốt để dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Nhiệm vụ của tỉnh là triển khai các chương trình ĐT, cập nhật kiến thức chuyển đổi số cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và toàn thể CB, CC, VC.
Đối với định hướng phát triển kinh tế ban đêm, Chính phủ đặt ra yêu cầu quy hoạch các khu vực phát triển kinh tế ban đêm gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường, hạn chế tác động của ô nhiễm môi trường, rác thải sinh hoạt…, giảm thiểu ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân vào ban đêm. Đồng thời, yêu cầu UBND tỉnh, thành phố nghiên cứu, xây dựng mô hình phát triển kinh tế ban đêm phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn ở địa phương. Vai trò của chính quyền địa phương được coi là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của kinh tế ban đêm. Một trong những giải pháp hàng đầu của các địa phương là đổi mới phương thức quản lý nhà nước, trong đó chú trọng nâng cao trình độ, năng lực quản lý của đội ngũ CB, CC, VC.
Với những định hướng và mục tiêu như trên, có thể thấy nhiệm vụ về ĐT, BD trong giai đoạn 2020 - 2025 là rất nặng nề. Vừa đảm bảo yêu cầu ĐT chuẩn hóa, BD kỹ năng đồng thời trang bị những kiến thức ở những lĩnh vực hoàn toàn mới nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cả bộ máy để thích ứng với yêu cầu quản lý nhà nước trong thời kỳ mới. Với vai trò của mình, Sở Nội vụ sẽ xác định mục tiêu, công việc cụ thể cho cả giai đoạn và trong từng năm để tham mưu UBND tỉnh. Trong quá trình thực hiện rất cần sự vào cuộc, phối hợp của các cơ quan, đơn vị với tinh thần “Đồng khởi mới” để tỉnh nhà có được những thành tựu mới sau 5 năm nữa.
Lê Duy