Nâng cao chuỗi giá trị bưởi da xanh

25/03/2020 - 07:36

BDK - “Tôi thấy bà con thu hoạch được quả bưởi rất cực khổ nhưng sản phẩm sau thu hoạch bỏ đi rất nhiều, nhất là vỏ của quả bưởi. Theo Đông y thì vỏ quả bưởi là 1 loại thảo dược rất tốt cho sức khỏe con người, trong khi mình đang biến nó thành rác. Xuất phát từ suy nghĩ ấy, tôi lặn lội sang Thái Lan tìm hiểu kỹ thuật chế biến các món si rô, xí muội, mứt từ những thứ bỏ đi của quả bưởi để nâng cao giá trị quả bưởi”, anh Phan Văn Bút chia sẻ.

Giám đốc Hợp tác xã Bưởi da xanh Quới Sơn Nguyễn Phước Nữa (bên phải) trao đổi cùng với thành viên.

Giám đốc Hợp tác xã Bưởi da xanh Quới Sơn Nguyễn Phước Nữa (bên phải) trao đổi cùng với thành viên.

Chế biến để nâng cao giá trị

Là người con của tỉnh Bình Định và cũng là con rể của đất Bến Tre, anh Phan Văn Bút kể: Sau khi kết hôn với bà xã 2 tháng, tôi phát hiện trái bưởi da xanh (BDX) Bến Tre quá tuyệt vời. Nghĩ rằng “vậy còn chần chừ gì nữa mà không khởi nghiệp tại đây với trái bưởi”. Tôi đã quyết định thành lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vạn Vạn Lợi, tại huyện Châu Thành.

Theo anh Bút, hiện công ty anh đang liên kết sản xuất và bao tiêu  BDX của Hợp tác xã (HTX) BDX Quới Sơn (ấp Quới Lợi, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành). Ngoài cung ứng bưởi sạch ra thị trường nội địa thông qua 3 nhà phân phối chính đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh với trên 60 đại lý đặt khắp các tỉnh, thành trên toàn quốc, công ty còn chế biến các loại si rô, mứt, rim, xí muội từ trái bưởi.

“Trái bưởi được nâng cao giá trị khi qua chế biến, không gì trong trái bưởi bỏ đi, kể cả vỏ. Mọi thành phần trong trái bưởi đều trở thành những món ăn hấp dẫn. Lớp vỏ màu xanh ngoài trái bưởi được gọt ra để chế biến thành món xí muội bưởi. Người xứ lạnh, nhất là các đấng mày râu hay nhậu nhẹt, sáng ra cổ họng khô rát, ăn vài miếng xí muội bưởi là “thông họng” ngay. Phía bên trong lớp vỏ xanh của trái bưởi, có 1 lớp cùi màu trắng. Lớp cùi này cũng được bóc ra để chế biến thành mứt cùi bưởi. Loại mứt này phụ nữ rất ưa chuộng, bởi ăn vào sẽ tan mỡ bụng. Múi bưởi thì được tách ra, cho lên khay để bán”, anh Bút diễn giải.

Anh cho biết thêm, trái bưởi bị thẹo, bị nứt hoặc bị nám nếu bán nguyên trái thì người tiêu dùng sẽ chê, không mua. Nhưng thực chất loại bưởi này có những múi bưởi bên trong rất ngon. Anh mua bưởi thẹo, bưởi nứt về lột ra, lớp vỏ và cùi thì làm xí muội, mứt, còn múi bưởi bên trong được tách ra, cho lên khay. Người tiêu dùng muốn mua bưởi nhưng không thấy được bên trong ruột ngon dở thế nào nên thường trù trừ không mua. Nếu mình tách múi bưởi cho lên khay thì nhìn những múi bưởi mọng nước rất bắt mắt là họ mua ngay.

Không chỉ vậy, cả những trái bưởi non “vứt đi” của nông dân cũng được anh thu mua để chế biến. Bởi, trong quá trình bưởi ra hoa, mỗi chùm hoa thường đậu được 4 - 5 trái. Nếu để lại hết thì tất cả các trái bưởi đều ỏng eo. Do vậy, sau khi trái hình thành, nông dân thường chỉ chọn để lại 2 trái, số còn lại cắt bỏ đi để cây nuôi trái nhanh phát triển.

Đạt tiêu chuẩn VietGAP

Để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trái bưởi tươi cũng như có thể chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị khác từ quả bưởi thì điều kiện trước tiên là phải được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. Đó cũng là lý do anh Bút chọn hợp tác tiêu thụ với HTX BDX Quới Sơn, tạo động lực cho vùng trồng bưởi VietGAP được tiếp tục duy trì và mở rộng.

HTX được thành lập từ năm 2018, có tiền thân là Tổ hợp tác BDX Phú Thành với mô hình sản xuất bưởi VietGAP được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao. Hiện nay, HTX có 52ha đang cho trái được bà con sản xuất theo quy trình VietGAP, với sản lượng thu hoạch bình quân 30 tấn/tháng.

Ông Nguyễn Phước Nữa - Giám đốc HTX cho biết: HTX có khoảng 90 thành viên là những người trước đây đều thông thạo kinh nghiệm sản xuất theo quy trình VietGAP. “Ban đầu thì họ còn ngần ngại không chịu. Vì cho rằng, kỹ thuật khó đến mấy cũng được mà chỉ riêng việc phải ghi chép chi tiết hàng ngày thì ngán lắm, không quen. Còn bây giờ thì tất cả bà con đã làm quen việc ghi chép đầy đủ mỗi ngày. Từ ngày được công nhận VietGAP, bưởi của nhà vườn dễ bán hơn so với các vùng trồng bình thường. Có nhiều doanh nghiệp tìm đến thu mua. Đến nay, nhiều thành viên đã được tái chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP lần thứ 3”.

Năm 2019, HTX Bưởi da xanh Quới Sơn được sự quan tâm của Liên minh HTX tỉnh, dự án Tây Nam Bộ do Viện Cây ăn quả miền Nam làm chủ dự án tài trợ xây dựng chuỗi giá trị trên cây bưởi, mở các lớp tập huấn VietGAP. Ngoài ra, HTX còn được hỗ trợ kinh phí theo Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích