Tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Thanh Bạch.
* PV: Ông đánh giá thế nào về thực trạng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại tỉnh trong thời gian qua?
- Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam: Thời gian qua, công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh đã được các ngành, các cấp tập trung chỉ đạo thực hiện. Qua đó, đã nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn lực từ đất, tạo hành lang pháp lý trong xây dựng và thực hiện kế hoạch sử dụng đất.
Kế hoạch sử dụng đất hàng năm căn cứ vào chỉ tiêu sử dụng đất của phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020; định hướng phát triển KT-XH của địa phương, trong đó, xác định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất, danh mục các dự án, công trình sẽ thực hiện trong năm kế hoạch.
Do đó, đảm bảo thống nhất giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp và có tính khả thi cao. Đất chưa sử dụng tại tỉnh là đất mới bồi ven sông rạch, ven biển của các địa phương; khi có điều kiện nuôi trồng khai thác, UBND cấp huyện sẽ đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm.
Nhìn chung, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh Bến Tre thời gian qua đã góp phần quan trọng phân bổ nguồn lực đất đai nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh của tỉnh. Thông qua quy hoạch sử dụng đất, cơ cấu sử dụng đất được chuyển đổi phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế. Đặc biệt đã tạo điều kiện thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nông nghiệp, nông thôn phù hợp với kinh tế thị trường.
* Theo ngành chức năng tỉnh, công tác quản lý đất đai, tạo quỹ đất sạch còn nhiều khó khăn, nhất là quỹ đất công chưa được quản lý thống nhất. Vậy, quan điểm của lãnh đạo UBND tỉnh có những chỉ đạo gì để gỡ khó vấn đề này?
- Bến Tre là một tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đất hẹp người đông, sản xuất nông nghiệp là chính. Tính đến nay, tỉnh mới có 3 khu công nghiệp, bao gồm 2 khu công nghiệp đã hoàn thành hạ tầng và có nhà đầu tư là Khu công nghiệp An Hiệp 65,1ha, Khu công nghiệp Giao Long 68ha và đang giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Phú Thuận 231,78ha.
Thực tế các năm qua, quỹ đất công chưa được thống nhất quản lý nên chưa có kế hoạch sử dụng, đầu tư khai thác hiệu quả, chưa đáp ứng quỹ đất sạch cho yêu cầu mời gọi đầu tư để đáp ứng cho nhu cầu phát triển KT-XH tại địa phương. Đồng thời, do nguồn thu của tỉnh có hạn nên Quỹ phát triển đất nhiều năm qua cũng chưa được thành lập và được trích % để lại hàng năm để tái tạo, đầu tư, phát triển quỹ đất theo quy định của Luật Đất đai.
Trước thực trạng nêu trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo và cho chủ trương tháo gỡ. Cụ thể, HĐND tỉnh thành lập Tổ công tác của Thường trực HĐND tỉnh để theo dõi việc xây dựng cơ chế tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; đồng thời thành lập Quỹ phát triển đất tỉnh và tổ chức lại Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp tỉnh, cấp huyện đảm bảo công tác phối hợp chặt chẽ, linh động, đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển quỹ đất sạch phục vụ thu hút đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp trong thời gian tới.
Giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh thống nhất quản lý quỹ đất công chưa đưa vào sử dụng. Tạo điều kiện cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh thực hiện nhiệm vụ tạo quỹ đất sạch để phục vụ cho công tác mời gọi đầu tư. Quan tâm tạo quỹ đất sạch từ các nguồn tiềm năng như: Đất bãi bồi ven sông, cồn mới nổi và đất bãi bồi ven biển. Đồng thời, tiến hành đấu giá các thửa đất manh mún, nhỏ lẻ, các thửa đất có vị trí kém lợi thế về thu hút đầu tư, tập trung vốn tạo quỹ đất sạch theo quy hoạch, chủ trương của UBND tỉnh.
Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh chịu trách nhiệm tham mưu cho Sở Tài nguyên - Môi trường (TN&MT) xây dựng kế hoạch quản lý, đầu tư, khai thác quỹ đất công trình UBND tỉnh phê duyệt hàng năm; xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án tạo quỹ đất sạch theo chủ trương của UBND tỉnh. Các cơ quan, đơn vị chức năng và UBND các huyện có liên quan có trách nhiệm hỗ trợ, phối hợp thực hiện. Tổ công tác của Thường trực HĐND tỉnh sẽ hỗ trợ kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác quản lý đất công và tạo quỹ đất sạch.
* PV: Để tạo tiền đề cho việc phát triển KT-XH địa phương thời gian tới, tỉnh sẽ có giải pháp nào thực hiện hiệu quả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn, thưa ông?
- Thời gian tới, tỉnh đưa ra quan điểm chỉ đạo tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thống nhất chặt chẽ từ tỉnh đến các huyện, thành phố đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh. Có chính sách điều tiết giá trị gia tăng từ đất do nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng và chuyển mục đích sử dụng đất mang lại; điều tiết các nguồn thu từ đất để cân đối, phân phối hợp lý tạo nguồn lực phát triển đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh, bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế với các mục tiêu an sinh xã hội, tạo môi trường sống hài hòa, bền vững cho người dân.
Kiên quyết thu hồi đất đối với những dự án đã được giao, cho thuê đất nhưng không thực hiện đầu tư đúng thời gian quy định, sử dụng đất không hiệu quả, trái mục đích được giao, thuê. Thu hồi đất quốc phòng cho thuê để sử dụng vào mục đích quốc phòng và phát triển KT-XH, tạo quỹ đất từ chương trình lấn biển… Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng mua bán, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép.
Phát huy tốt vai trò của người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trong quản lý tài nguyên đất đai. Xây dựng và thực hiện đào tạo, nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, năng lực và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai ở các cấp, đặc biệt là ở cấp huyện, thành phố, cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn để đáp ứng yêu cầu về đổi mới ngành và hội nhập quốc tế.
Đồng thời, bố trí đủ điều kiện vật chất, từng bước ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ trong việc lập và giám sát, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu quản lý tài nguyên đất, áp dụng công nghệ tiên tiến để cải thiện chất lượng điều tra quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Xin cảm ơn Chủ tịch!
Thanh Bạch (thực hiện)