Giám đốc Sở Công Thương Lê Văn Khê tham quan gian hàng bưởi da xanh. Ảnh: H.Hiệp
Hỗ trợ doanh nghiệp
Giai đoạn 2014 - 2018, tỉnh hỗ trợ cho 85 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) với kinh phí trên 10 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của các cơ sở CNNT là hơn 100 tỷ đồng. Thực hiện 2 lần bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh. Kết quả có 30 sản phẩm được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh; 14 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và 5 sản phẩm được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia.
Sở Công Thương thực hiện công tác tuyên truyền về hoạt động KC trên Báo Đồng Khởi và phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre xây dựng chương trình Bản tin Công thương; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết 3 cụm CN. Tổ chức đoàn học tập kinh nghiệm về công tác KC. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác KC và tổ chức đào tạo nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp (DN), khởi sự DN...
Việc triển khai thực hiện các hoạt động KC trong thời gian qua đảm bảo đúng theo quy định và kịp thời về trình tự thủ tục, tiến độ và đáp ứng tốt nội dung, mục tiêu đề ra. Qua đó góp phần cho các DN nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực cho cơ sở đầu tư vào hoạt động sản xuất CNNT, tạo sức lan tỏa từ chính sách KC đối với nhu cầu của DN. Việc hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến giúp cơ sở CNNT tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo môi trường thuận lợi cho việc đầu tư, phát triển sản xuất của cơ sở. Việc hỗ trợ quy hoạch chi tiết các cụm CN đã góp phần trong việc từng bước đầu tư hoàn thiện các cụm CN, tạo quỹ đất sạch phục vụ cho DN đầu tư phát triển sản xuất. Một số sản phẩm CNNT tiêu biểu đã được ưu tiên, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí đầu tư phát triển sản xuất và quảng bá thông tin, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua hoạt động tham gia các hội chợ trong nước.
Việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, chính sách KC trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng các hình thức phong phú, đa dạng, tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT tiếp cận với các nội dung của chính sách, từ đó tích cực chủ động tham gia.
Quản lý công tác khuyến công
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KC vẫn tồn tại một số khó khăn, hạn chế nhất định. Hầu hết các cơ sở CNNT đầu tư máy móc thiết bị mới nhằm tăng năng lực sản xuất nhưng sản phẩm còn đơn điệu, khả năng cạnh tranh không cao. Công tác quản lý còn nhiều bất cập, khả năng tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Công tác hỗ trợ cho các DN quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tuy có quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu do đa phần DN trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và rất nhỏ, trình độ năng lực quản lý của còn hạn chế dẫn đến việc mở rộng thị trường gặp nhiều khó khăn. Sự quan tâm, phối hợp để thực hiện các hoạt động KC giữa các cơ quan, ban ngành và DN chưa nhiều dẫn đến hoạt động KC chưa phát huy hiệu quả cao nhất...
Để hoạt động KC đạt hiệu quả cao hơn và là động lực thúc đẩy sự phát triển CN, TTCN, góp phần gia tăng giá trị sản xuất chung của ngành trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tăng cường thông tin, tuyên truyền đến các đối tượng thụ hưởng chính sách KC. Tăng cường khảo sát thực tế các cơ sở CN, TTCN để trao đổi, cung cấp và nắm bắt thông tin, nhu cầu của các cơ sở để lựa chọn, xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng nội dung hoạt động. Tăng cường quản lý nhà nước về công tác KC. Thường xuyên khảo sát các DN trên địa bàn tỉnh để nắm bắt nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó có giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất thích hợp.
Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn để trang bị kiến thức khởi sự DN, nâng cao kỹ năng quản trị DN, khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững. Hàng năm, tổ chức các cuộc đối thoại với các chủ DN để lắng nghe và giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn và đẩy mạnh hỗ trợ các DN CN, TTCN tiến hành các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm thị trường trong và ngoài nước thông qua việc tham gia các kỳ hội nghị, hội chợ, triển lãm để từ đó giúp DN mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm phù hợp.
C. Thương