Nâng cao hiệu quả việc triển khai Đề án đa dạng sinh kế

01/10/2018 - 07:09

Qua hơn 2 năm thực hiện Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững, các huyện, thành phố đã hỗ trợ được hơn 4.100 hộ thoát nghèo. Qua đó, xuất hiện nhiều cách làm hay, phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, như mô hình nuôi bò, dê và trồng nấm ở Ba Tri, mô hình đan giỏ, bội kẽm ở Chợ Lách, mô hình 5 + 1 của Hội Cựu chiến binh… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đề án còn bộc lộ nhiều hạn chế. Vấn đề này đã được đoàn giám sát HĐND tỉnh nhận diện khá đầy đủ trong đợt giám sát vừa qua và có đề xuất nhiều giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Mô hình nuôi thỏ kết hợp trồng cây dược liệu của thanh niên xã Tân Phú, huyện Châu Thành.

Mô hình nuôi thỏ kết hợp trồng cây dược liệu của thanh niên xã Tân Phú, huyện Châu Thành.

Nhận diện các hạn chế

Qua ghi nhận của đoàn giám sát, công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động nhân dân thực hiện đề án còn hạn chế. Cụ thể, nhận thức của đa số cán bộ cấp xã và nhân dân về đề án chưa đúng, chưa đầy đủ, nhất là ở năm đầu thực hiện đề án, dẫn đến việc xã chọn sai đối tượng và người dân sử dụng nguồn vốn sai mục đích. Có một bộ phận hộ dân tham gia đề án nhưng trả lời “không nghe nói gì về cách thoát nghèo, về sinh kế” khi được phỏng vấn hoặc hộ dân chỉ hiểu là nếu tham gia đề án sẽ được Nhà nước cho vay ưu đãi.

Qua quá trình thực hiện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có tổ chức tập huấn lại cho các xã về phương pháp chọn hộ. UBND tỉnh đồng ý cho điều chỉnh đối tượng tham gia đề án nhưng không điều chỉnh tổng số hộ đã đăng ký, dẫn đến nhiều trường hợp không thuộc đối tượng của đề án nhưng vẫn nằm trong danh sách, như: hộ không có khả năng lao động, hộ có khả năng lao động nhưng không có ý tưởng đa dạng sinh kế hoặc không có nhu cầu vay vốn để đa dạng sinh kế. Mặt khác, người vận động, hướng dẫn không hiểu hết về đề án, hoặc hiểu nhưng không dám làm trong điều kiện giá cả thị trường không ổn định.

Công tác phân công đoàn thể theo dõi hộ thực hiện kế hoạch sinh kế có thực hiện, nhưng có nơi vẫn còn mang tính đối phó, phục vụ cho giám sát. Đoàn thể theo dõi, quản lý trên sổ sách và ghi giúp sổ nhật ký là chủ yếu, chưa thực hiện được việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân cách làm cụ thể để thoát nghèo.

Cấp xã chưa thực hiện đúng theo quy trình 4 bước như hướng dẫn tại đề án, dẫn đến xã không hỗ trợ xây dựng được kế hoạch phát triển sinh kế cho từng hộ, lúng túng trong khâu hỗ trợ và người dân không biết phải làm như thế nào, gặp ai để được hỗ trợ, hướng dẫn. Một hạn chế chung nữa là mối quan hệ giữa cán bộ hỗ trợ xã, ấp và hộ dân tham gia đề án vẫn theo phương thức cũ, tức là cán bộ hỗ trợ vay vốn lập danh sách khi có các lớp tập huấn... chứ chưa hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện sinh kế kịp thời, nhất là khi hộ dân gặp khó khăn.

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền

Nguyên nhân được xác định một phần là do thời gian dành cho cấp xã để triển khai đề án quá ngắn dẫn đến các xã rơi vào thế bị động trong triển khai thực hiện. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo của xã thiếu quan tâm hoặc quan tâm chưa sâu sát, chưa xem việc thực hiện đề án là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, dẫn đến tình trạng giao phó cho cấp phó hoặc cán bộ giảm nghèo và trưởng ấp; không phân bổ thời gian và nhân sự hợp lý cho thực hiện giảm nghèo nói chung và thực hiện đề án nói riêng. Đối với nhóm các hộ không thuộc đoàn thể nào quản lý, xã phân công cán bộ giảm nghèo phụ trách, gây quá tải và quá khả năng cho cán bộ này, vì đa số là người hoạt động bán chuyên trách và là cán bộ trẻ…

Trước những hạn chế và nguyên nhân đã được nhận diện, đoàn giám sát cho rằng, thời gian tới, cần có giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên tuyền. UBND tỉnh nghiên cứu, xem xét cho phép UBND các huyện điều chỉnh tăng, giảm số lượng hộ dân tham gia đề án để chọn được đối tượng phù hợp với yêu cầu đã đề ra. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho cán bộ cấp xã, ấp thực hiện đúng quy trình 4 bước. UBND tỉnh chỉ đạo các huyện xem xét, tùy tình hình thực tế thành lập các tổ tư vấn thực hiện đề án, tổ bao gồm những người có kinh nghiệm, có uy tín của xã, ấp và một cán bộ xã để hỗ trợ trực tiếp cho người dân.

Trong trường hợp không thành lập tổ tư vấn, UBND tỉnh chỉ đạo ban chỉ đạo công tác giảm nghèo các cấp phải chịu trách nhiệm về công tác giảm nghèo chung và của từng hộ dân, tránh trường hợp giao khoán công việc cho cán bộ giảm nghèo của xã. Các ban chỉ đạo phải nắm kế hoạch đa dạng sinh kế của cả xã và của từng hộ dân; kiên trì hướng dẫn hộ dân ghi chép sổ sách và không làm thay.

4 bước theo quy trình thực hiện đề án

Bước 1, căn cứ vào danh sách nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được phân loại, ban chỉ đạo giảm nghèo cấp huyện chỉ đạo cấp xã hướng dẫn các hộ xây dựng kế hoạch tăng thu nhập, hình thành các tổ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Bước 2, huy động, kết nối các nguồn lực hỗ trợ hộ thực hiện. Bước 3, hộ thực hiện theo kế hoạch và ghi chép theo dõi việc thực hiện. Bước 4, xã ghi chép, đánh giá hiệu quả của mô hình thoát nghèo.

Bài, ảnh: Mỹ An

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN