 |
Tại một buổi tập huấn. |
Trong khuôn khổ thực hiện Đề án Trợ giúp người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí giai đoạn 2013-2020 trên địa bàn tỉnh Bến Tre, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Trường Đại học Lao động - Xã hội cơ sở II - TP. Hồ Chí Minh tổ chức 2 lớp tập huấn về công tác tham vấn, tư vấn, phòng tránh bệnh tâm thần, bệnh rối nhiễu tâm trí cho 92 học viên là giáo viên, học sinh các trường trung học cơ sở trên địa bàn TP. Bến Tre.
Những nội dung được các giảng viên truyền đạt, bao gồm: Thế nào là stress, những nguyên nhân và biểu hiện của stress, những biện pháp phòng tránh, từ đó đề ra hướng tư vấn, tham vấn cho các em. Các kỹ năng, phương pháp nghiệp vụ xử lý các tình huống thực tế có thể xảy ra, giúp giáo viên, học sinh nhận biết được thế nào stress, các biểu hiện, những nguy cơ mắc bệnh, đề ra biện pháp phòng tránh.
Các lớp học nhằm nâng cao kiến thức về phòng tránh bệnh tâm thần, bệnh rối nhiễu tâm trí, kỹ năng tư vấn, tham vấn cho học sinh khi có nhu cầu. Các học viên nhiệt tình đóng góp ý kiến và đưa ra nhiều vấn đề đáng quan tâm nhất là việc nhận biết stress, tư vấn, tham vấn, các biện pháp hỗ trợ khi học sinh có vấn đề tâm lý. Đặc biệt, lưu ý đến những dấu hiệu nhận biết người bị stress như:
+ Dấu hiệu thể chất: Thở ngắn hơi, ra mồ hôi, đau đầu, đau lưng, đau nhức khắp cơ thể, run chân tay, nhức đầu do căng thẳng, đau nửa đầu kéo dài, đau cột sống dai dẳng, đánh trống ngực, đau vùng trước tim, tăng huyết áp, hay đau bụng, thậm chí tiêu chảy, đau bàng quang với nước tiểu trong, hay có cảm giác chán ăn, xuất hiện các triệu chứng về dạ dày, sút cân, luôn cảm thấy mệt mỏi, suy kiệt về sức lực (cạn kiệt).
+ Dấu hiệu về cảm xúc: Tinh thần không thoải mái, cảm thấy bồi hồi, bất an, không có hứng thú với những sở thích và các hoạt động thường ngày, thường xuyên cảm thấy buồn phiền vì những điều nhỏ nhặt nhất, không muốn làm việc gì, có tâm trạng buông xuôi, âu lo, sợ hãi thường xuyên, cảm giác ủ rũ, tuyệt vọng, mất hứng thú với cuộc sống vợ chồng, cảm thấy tâm trạng trống rỗng, thấy cuộc sống không còn ý nghĩa và giá trị.
+ Dấu hiệu về nhận thức: Chậm chạp, hay quên, gặp khó khăn khi suy nghĩ một vấn đề một cách lô-gíc, khó thu nạp thông tin, hay nhớ lại những sự kiện gây khó khăn, khó khăn tập trung vào công việc, khó đưa ra quyết định ngay cả quyết định đơn giản, luôn cảm thấy tự ti, tự trách mình, mất niềm tin vào tương lai, đa nghi, nghĩ rằng mình mắc bệnh nặng mặc dù đã đi kiểm tra sức khỏe.
Tại các lớp học, giảng viên còn hướng dẫn những biện pháp phòng tránh, ứng phó với stress, như: nghị lực của bản thân, khả năng phục hồi và phát triển khi đối mặt với những áp lực, các biện pháp tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần cho bản thân, như:
Thư giãn và nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên, đều đặn và chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường thực phẩm hữu cơ, hạn chế thực phẩm có hóa chất như: rượu, chất tạo ngọt, thuốc phiện, caffeine, đường, thực phẩm chế biến, chất phụ gia…