Ảnh minh họa
Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở để giải quyết kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở; góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong giai đoạn mới; giảm số vụ việc phải đưa ra Tòa án và các cơ quan nhà nước giải quyết; tiết kiệm thời gian, chi phí của xã hội và của Nhà nước.
Giai đoạn 1 (từ năm 2019 đến hết năm 2020), phấn đấu hoàn thành Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên, các tài liệu bồi dưỡng cho đội ngũ tập huấn viên và các tài liệu tham khảo, hỗ trợ khác phục vụ việc nâng cao năng lực cho hòa giải viên ở cơ sở và đội ngũ tập huấn viên.
Ít nhất 95% tổ hòa giải ở cơ sở được củng cố, kiện toàn đủ số lượng, thành phần cơ cấu hòa giải viên theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở; từ 60% - 75% hòa giải viên ở cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành. Đối với các xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm chỉ đạo của Trung ương, tỷ lệ này là 100%.
Giai đoạn 2 (từ năm 2021 đến hết năm 2022): 100% hòa giải viên ở cơ sở mới được bầu, bổ sung, kiện toàn hàng năm được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành; ít nhất 90% hòa giải viên ở cơ sở được tiếp cận và sử dụng Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở bằng các hình thức phù hợp để tự nâng cao năng lực, nghiệp vụ hòa giải.
Từ 80% - 90% hòa giải viên ở cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành; hoàn thành việc thực hiện các hoạt động chỉ đạo điểm, tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng trên phạm vi cả nước.
Để đạt được mục tiêu trên, Đề án đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như xây dựng Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở và đội ngũ tập huấn viên; xây dựng đội ngũ tập huấn viên có đủ khả năng, kiến thức, phương pháp để hướng dẫn, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở; thực hiện chỉ đạo điểm; xây dựng đội ngũ hòa giải viên có đủ tiêu chuẩn, năng lực đáp ứng yêu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.
Trong đó, đối với việc thực hiện chỉ đạo điểm, Bộ Tư pháp phối hợp với các địa phương lựa chọn, thực hiện điểm 24 đơn vị cấp xã thuộc 8 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đại diện các vùng miền cả nước (ưu tiên địa bàn có tỉ lệ hòa giải thành thấp hoặc địa bàn có nhiều vướng mắc trong triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở).
Hoạt động chỉ đạo điểm tập trung vào hướng dẫn, tạo điều kiện cho đội ngũ luật sư, luật gia, người đang và đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, thẩm tra viên trong cơ quan tiến hành tố tụng, cán bộ, công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn đang thường trú ở cơ sở tham gia làm hòa giải viên hoặc hỗ trợ pháp lý cho tổ hòa giải ở cơ sở; bồi dưỡng nghiệp vụ cho hòa giải viên; xây dựng mô hình tổ hòa giải tiêu biểu xuất sắc...
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào tình hình thực tế và đặc thù của địa phương, chủ động lựa chọn một số đơn vị cấp xã để thực hiện chỉ đạo điểm, ưu tiên tập trung lựa chọn các xã chưa đạt tiêu chí về hòa giải ở cơ sở khi đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Nguồn: chinhphu.vn