Nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh các làng nghề

22/05/2014 - 18:26

Hiện toàn tỉnh có 23 làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN), trong đó có 18 làng nghề được công nhận đạt chuẩn.

Đó là làng nghề đan giỏ cọng dừa Phước Long, Hưng Phong; làng nghề bó chổi Mỹ An; làng nghề kẹo dừa Phường 7; làng nghề dệt chiếu An Hiệp; Thành Thới B, Nhơn Thạnh, làng nghề tiểu thủ công nghiệp An Thạnh, Khánh Thạnh Tân; làng nghề bánh phồng Sơn Đốc, Phú Ngãi, bánh tráng Mỹ Lồng; kềm kéo Mỹ Thạnh; làng nghề cá khô Bình Thắng, An Thủy, đan đát Phước Tuy, rượu Phú Lễ, lu Hòa Lợi.

Thời gian qua, các làng nghề phát triển và đóng góp quan trọng cho việc phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Nhiều làng nghề ổn định và có chiều hướng phát triển tốt, như: làng nghề đan đát Phú Lễ, rượu Phú Lễ, kềm kéo Mỹ Thạnh, đan giỏ cọng dừa Phước Long, dệt chiếu An Hiệp, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, sản xuất chỉ xơ dừa An Thạnh, Khánh Thạnh Tân… Sở Công Thương cũng đã hỗ trợ đầu tư về khuyến công, hạ tầng, xúc tiến thương mại trên 3 tỷ đồng, với trên 100 lớp tập huấn truyền nghề, đào tạo nghề, tập huấn kỹ năng quản lý, kiến thức hội nhập, kỹ thuật an toàn cho trên 5.000 lao động. Bằng nguồn vốn khuyến công tỉnh, huyện đã đầu tư 300 triệu đồng tổ chức hội thảo, tập huấn chuyên đề phát triển làng nghề TTCN, sản xuất than thiêu kết, sản xuất kẹo dừa, chỉ xơ dừa, tham quan học tập kinh nghiệm. Đồng thời, trực tiếp hỗ trợ 2,18 tỷ đồng kinh phí khuyến công cho nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp triển khai thực hiện các dự án đầu tư, đổi mới trang thiết bị công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Tỉnh cũng đã đầu tư gần 5 tỷ đồng cải tạo xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cống thoát nước tại làng nghề Khánh Thạnh Tân, An Thạnh, An Hiệp, Hưng Nhượng. Chỉ trong năm 2013, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp hỗ trợ đầu tư đổi mới trang thiết bị sản xuất kinh doanh kềm Hải Đăng (Mỹ Thạnh), đầu tư máy tề ngọn chổi và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho cơ sở bó chổi Huỳnh Thị Luyến Em (xã Mỹ An), hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn cho Công ty TNHH SXKD tổng hợp Đông Á… với tổng kinh phí 190 triệu đồng. Nguồn vốn khuyến công quốc gia cũng đã hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại trong sản xuất kẹo dừa tại DNTN Ngọc Mai, kinh phí hỗ trợ 100 triệu đồng. Nguồn vốn hỗ trợ sự nghiệp môi trường 150 triệu đồng thực hiện dự án tăng cường năng lực quản lý bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm tại làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng giai đoạn 2. Hỗ trợ các làng nghề tiếp thị, giới thiệu quảng bá sản phẩm qua các kỳ hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh nhằm nâng cao uy tín, thương hiệu của sản phẩm làng nghề.

Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển làng nghề còn nhiều hạn chế do số đông làm ăn theo kiểu tự phát, chưa nắm bắt nhu cầu thị trường, thị trường thiếu ổn định, nhất là dự báo cung cầu sản phẩm. Có rất ít nghề, hộ sản xuất có phương án thay đổi mẫu mã, số lượng sản phẩm và nghiên cứu thị trường. Làng nghề có qui mô nhỏ, ít lao động, doanh thu, giá trị sản xuất thấp. Vốn, công nghệ, thiết bị, mẫu mã chậm cải tiến. Sản phẩm làm ra manh mún, thiếu hấp dẫn, giá thành cao, sức cạnh tranh thấp. Đặc biệt, kinh nghiệm kinh doanh trên thương trường của các làng nghề còn hạn chế, chưa dám chấp nhận rủi ro và mạnh dạn đầu tư. Chưa có đầu mối lớn đứng ra tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chung cho làng nghề.

Để thực hiện chương trình hỗ trợ và nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh các làng nghề, cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể, ngành đang triển khai dự án hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở làng nghề giới thiệu sản phẩm trong các hội chợ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến thiết bị, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm; hỗ trợ tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh; xây dựng, xác lập quyền và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; hỗ trợ vốn xây dựng hạ tầng, giao thông, xử lý nước thải… với tổng vốn hỗ trợ 12,71 tỷ đồng.

Thu Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích