Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Bến Tre.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em chủ trì hội nghị tại điểm cầu Thủ đô Hà Nội. Tham dự cấp Trung ương có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan là thành viên Ủy ban Quốc gia về trẻ em, đại diện các cơ quan của Quốc hội.
Tại điểm cầu tỉnh Bến Tre, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Minh Lập chủ trì, với sự tham dự của các đại biểu sở, ban ngành liên quan, tại mỗi huyện cũng tổ chức các điểm cầu trực tiếp cùng tham dự.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu: “Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm, cả nước có trung bình khoảng 2 ngàn trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và giải quyết, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục hơn 60%. Đáng lưu ý, đây chỉ mới là bề nổi của “tảng băng chìm” vì những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý”.
Ba năm gần đây, số lượng vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý ở nước ta có giảm nhưng không nhiều. Tính chất vụ việc ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên môi trường mạng có xu hướng tăng nhanh. Nhiều vụ việc gia đình nạn nhân không cung cấp thông tin, tố giác với cơ quan chức năng vì e ngại hoặc bị thủ phạm đe dọa, dùng tiền hòa giải... Các vụ việc đều gây ra tổn thương nghiêm trọng cho trẻ em cả về thể chất và tinh thần.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về những hạn chế, nguyên nhân hạn chế trong thực hiện các chính sách, pháp luật và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo vệ trẻ em. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, công tác tiếp nhận, xử lý thông tin, tố giác tội phạm. Đồng thời, đóng góp nhiều đề xuất, giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cơ quan chuyên môn, các tổ chức xã hội, nhất là các cấp cơ sở cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn, quan tâm đúng mức cho công tác bảo vệ trẻ em, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường, cung cấp kiến thức pháp lý cho toàn xã hội về bảo vệ trẻ em. Cấp bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền rà soát các quy định của Luật Trẻ em, tiếp tục hoàn chỉnh theo hướng xử lý vụ việc xâm hại trẻ em phải nhanh chóng, thân thiện, phù hợp, đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em…”
Tin, ảnh: Thanh Đồng