Tập trung phát triển ngành công nghiệp chủ lực, bài 1:

Năng lực phát triển 2 ngành công nghiệp chủ lực

22/04/2020 - 07:21

BDK - Bến Tre xác định ngành công nghiệp (CN) chế biến dừa và chế biến thủy sản là 2 ngành CN chủ lực của tỉnh. Đồng thời, tỉnh xác định giải pháp, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành CN này. Đó là kết quả nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu tiềm năng phát triển ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre”, do Sở Công Thương chủ trì thành lập nhóm thực hiện và hoàn thành trong năm 2019. Đề tài được triển khai vào đầu năm 2020, với mục đích sớm phát huy hiệu quả, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chế biến sản phẩm từ dừa.

Chế biến sản phẩm từ dừa.

Tính cấp thiết của đề tài

Việc lựa chọn ngành nào là ngành chủ lực và quan trọng hơn nữa là đề ra các chính sách và thực hiện như thế nào là những vấn đề cấp thiết. Chìa khóa để có thể phát triển các ngành CN chủ lực thành công chính là ở việc xây dựng và thực thi các chính sách, từ chính sách về thuế đến hệ thống cơ sở hạ tầng, kế hoạch phát triển lực lượng lao động, không phải chỉ lựa chọn được ngành CN chủ lực là xong. Tuy nhiên, đến nay chưa có công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện, sâu sắc cả về lý luận cũng như thực tiễn việc đánh giá thực trạng và tiềm năng, đề xuất các giải pháp phát triển các ngành CN chủ lực.

Nhằm đánh giá thực trạng và tiềm năng của ngành CN chủ lực trên địa bàn tỉnh, từ đó đề xuất các giải pháp chủ yếu, khả thi, đồng bộ nhằm phát triển bền vững ngành CN này trong thời gian tới. Việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu tiềm năng phát triển ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre” là hết sức cần thiết, là một trong những ưu tiên trong việc phát triển ngành CN của tỉnh, góp phần phát triển ngành CN tỉnh một cách bền vững.

Tình hình phát triển ngành công nghiệp của tỉnh

Giá trị sản xuất CN giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng bình quân 11,62%/năm. Trong đó, kinh tế trong nước tăng trưởng bình quân 10,27%/năm; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng bình quân 13,38%/năm.

Giá trị gia tăng ngành CN giai đoạn 2016 - 2020 tăng 11,01%/năm, đưa tỷ trọng giá trị tăng thêm CN trong cơ cấu GRDP của tỉnh từ 13,33% năm 2015 và ước đến năm 2020 khoảng 15,94%.

Tỷ trọng ngành CN có sự chuyển dịch đúng hướng: ngành CN chế biến, chế tạo luôn chiếm ưu thế với tỷ trọng 97,25%; trong đó: nhóm ngành sản xuất lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng 41,17% (nhóm ngành sản xuất chế biến thủy sản chiếm tỷ trọng 29,2%; nhóm ngành sản xuất, chế biến dừa chiếm tỷ trọng 13,87%); nhóm hàng cơ khí, điện, điện tử chiếm tỷ trọng 19,92%; nhóm hàng dệt may, da - giày chiếm tỷ trọng 21,4%; nhóm ngành CN sản xuất hóa chất, hóa dược chiếm tỷ trọng 3,81%.

Xác định ngành công nghiệp chủ lực

Ngành CN chủ lực là các ngành CN thuộc các ngành, lĩnh vực CN ưu tiên, có tính lan tỏa mạnh đến ngành CN của tỉnh, có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; đầu tư dây chuyền thiết bị sản xuất có trình độ công nghệ cao, phù hợp với trình độ sản xuất trong từng thời kỳ, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo về môi trường; tạo ra mức tăng trưởng cao, ổn định; hoặc là các ngành CN thuộc nhóm ngành xuất khẩu chủ lực, đóng góp tỷ trọng lớn vào tổng giá trị sản xuất CN; tạo nhiều việc làm cho người lao động, nhất là lao động nông thôn; là ngành CN mới, phù hợp, đón đầu xu hướng thị trường, có sức cạnh tranh cao và phát triển bền vững.

Công ty cổ phần Thủy sản Hải Hương, Khu công nghiệp An Hiệp, huyện Châu Thành chế biến cá xuất khẩu.

Công ty cổ phần Thủy sản Hải Hương, Khu công nghiệp An Hiệp, huyện Châu Thành chế biến cá xuất khẩu.

Nhóm nghiên cứu xây dựng 10 tiêu chí xác định ngành CN chủ lực: Tỷ trọng của ngành CN chủ lực so với toàn ngành CN. Trình độ nhân lực công nghệ. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của ngành CN chủ lực so với kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Chỉ tiêu đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm. Chỉ tiêu về bản quyền đối với sản phẩm của ngành CN (sở hữu CN và thương hiệu). Đảm bảo phát triển bền vững không gây ô nhiễm môi trường. Chỉ tiêu về hiệu quả sản xuất, kinh doanh của ngành CN chủ lực thể hiện bằng tốc độ tăng trưởng giá trị nộp ngân sách của ngành đó. Hệ thống thông tin quản lý điều hành sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) ngành CN. Công tác nghiên cứu phát triển và làm chủ công nghệ của DN ngành CN. Khả năng thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển và sản phẩm của CN được vinh danh.

Kết quả khảo sát 200 DN đại diện cho các ngành CN trên địa bàn tỉnh, nhóm nghiên cứu xác định danh mục các ngành CN chủ lực của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và hướng đến năm 2030: ngành sản xuất chế biến thủy sản (64 điểm) và ngành sản xuất, chế biến dừa (67 điểm).

Tiềm năng phát triển 2 ngành chủ lực

Nhiều năm qua, dừa và thủy sản luôn là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Đặc biệt, kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), xuất khẩu thủy sản của tỉnh nói riêng, Việt Nam nói chung liên tục đạt được mức kim ngạch và tốc độ tăng trưởng khả quan.

Ngành chế biến thủy sản hiện nay phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn, ngành sản xuất hàng hóa lớn, đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế. Bến Tre có sản lượng thủy sản đứng thứ 4/13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù ngành CN chế biến thủy sản được đầu tư phát triển khá trong thời gian gần đây, nhưng so với các tỉnh như: Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng thì Bến Tre còn rất khiêm tốn.

Toàn tỉnh hiện có 22 DN chế biến thủy sản đông lạnh, trong đó có 15 DN chủ yếu là mua bán và gia công, chỉ có 7 DN phục vụ xuất khẩu, sản phẩm chủ yếu là cá tra fillet, nghêu, tôm, sản phẩm giá trị gia tăng… Công suất chế biến thủy sản ước đạt 76 ngàn tấn sản phẩm/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 3.580 lao động. Sản lượng sản phẩm thủy sản đông lạnh giai đoạn 2016 - 2020 có xu hướng tăng, bình quân đạt 7,24%/năm và sản lượng thủy sản xuất khẩu tăng bình quân 5,46%. Tuy nhiên, so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các nhà máy chế biến thủy sản của tỉnh thuộc diện tương đối về quy mô và trình độ khoa học công nghệ.

Các DN chế biến thủy sản đông lạnh của tỉnh đều xây dựng những tiêu chuẩn, quy chuẩn cho vùng nuôi và cho nhà máy chế biến đạt yêu cầu xuất khẩu vào các thị trường khó tính (Mỹ, Nhật Bản, EU...) như: EU code: DL 354, DL 380 and DL 476, HACCP, BRC, IFS, HALAL, GLOBALG.A.P, MSC, ISO 9001: 2015…

Xuất khẩu thủy sản trong 5 năm ước đạt 456 triệu USD, chiếm 8,62% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh, có khoảng 26 DN chế biến thủy sản các loại, chiếm 4,86% tổng số DN sản xuất CN của tỉnh, hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 5.200 lao động.

Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu, các DN này hiện đang gặp khó khăn về chất lượng con giống, cũng như đang thiếu lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất, mở rộng quy mô. Mặc dù Bến Tre thuộc nhóm 5 tỉnh dẫn đầu đồng bằng sông Cửu Long về diện tích và sản lượng tôm nguyên liệu (chủ yếu là tôm thẻ chân trắng), với tổng diện tích nuôi tôm biển toàn tỉnh hơn 35.000ha, sản lượng trên 55 ngàn tấn/năm nhưng lại không có nhà máy chế biến tôm, chủ yếu là sơ chế; hầu như tôm nguyên liệu được các nhà máy chế biến ở các tỉnh lân cận tiêu thụ.

Bến Tre cũng là thủ phủ dừa của cả nước. Dừa được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh. Đến nay, diện tích dừa đạt 72.022ha, năng suất 9.500 trái/ha, sản lượng 612.500 trái. Toàn tỉnh có khoảng 138 DN sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa, với nhiều loại hình, quy mô hoạt động khác nhau, gồm một số ngành chính như: chế biến vỏ dừa (chỉ xơ dừa, mụn dừa, các sản phẩm sau chỉ), chế biến gáo dừa (than hoạt tính, than thiêu kết, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa), chế biến cơm dừa (sơ chế cơm dừa, cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, bột sữa dừa, kẹo dừa, các loại mỹ phẩm từ dừa....), chế biến nước dừa (thạch dừa, nước dừa đóng hộp), chiếm 25,79% tổng số DN sản xuất CN của tỉnh, giải quyết việc làm cho hơn 9.500 lao động.

Những năm gần đây, các DN chế biến cơm dừa luôn có sự cải tiến nâng công suất, đầu tư mới, quy mô DN ngày càng lớn. Toàn tỉnh có 40 DN chế biến 5 nhóm sản phẩm chính: cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, bột sữa dừa, kẹo dừa, dầu dừa. Trong đó, cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, bột sữa dừa 17 DN, bánh kẹo từ dừa 16 DN, dầu dừa 7 DN. Tổng công suất lắp đặt các dự án sữa dừa hiện trên 100 ngàn tấn/năm. Nước dừa đóng lon, hộp, hiện có 2 DN sản xuất sản phẩm này, tổng công suất khoảng 40 triệu lít/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 2.400 lao động.

Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa tăng bình quân 14,80%, chiếm 21,47% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Thị trường xuất khẩu dừa tiếp tục được giữ vững và mở rộng, đã xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra hầu hết DN có quy mô nhỏ gặp khó khăn về đầu tư công nghệ và trang thiết bị hiện đại do thiếu vốn. Tỉnh thiếu vốn giải phóng mặt bằng các khu, cụm CN theo quy hoạch, tạo quỹ đất sạch để giao đất, cho thuê đất đối với DN, đa số các DN tự thỏa thuận với dân để chuyển nhượng hoặc thuê đất.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích