NATO thảo luận việc kết nạp Thụy Điển

01/06/2023 - 17:45

Ngày 1-6-2023, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết ông sẽ sớm đến Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận việc kết nạp Thụy Điển vào liên minh quân sự này.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại cuộc họp báo ở Stockholm ngày 7-3-2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại cuộc họp báo ở Stockholm ngày 7-3-2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu trước báo giới khi đang ở Oslo (Na Uy) tham dự Hội nghị Ngoại trưởng NATO kéo dài 2 ngày, ông Stoltenberg cho biết ông đã thảo luận với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vào đầu tuần này và sẽ đến Ankara trong thời gian tới để đảm bảo Thụy Điển gia nhập NATO nhanh nhất có thể. Ông bày tỏ tin tưởng rằng Thụy Điển sẽ là một thành viên của NATO và do đó khối này đang nỗ lực thúc đẩy việc kết nạp Thụy Điển càng sớm càng tốt.  

Thuỵ Điển, cùng với Phần Lan, đã chấm dứt chính sách không liên kết quân sự kéo dài nhiều thập kỷ và quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO hồi năm ngoái. Đơn xin gia nhập của hai quốc gia Bắc Âu này đã được chấp thuận tại Hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 6-2022. Ngày 4-4-2023 vừa qua, Phần Lan đã chính thức gia nhập NATO, trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự này. Tuy nhiên, hiện Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary chưa ủng hộ Thụy Điển gia nhập liên minh. Để chính thức trở thành thành viên của NATO, đơn xin gia nhập phải được toàn bộ các nước thành viên liên minh phê chuẩn.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom đã hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của nước này. Phát biểu khi bắt đầu Hội nghị Ngoại trưởng NATO ở Na Uy, ông Billstrom nhấn mạnh Thụy Điển "đã thực hiện tất cả các cam kết của mình".

Liên quan đến vấn đề kết nạp Ukraine vào NATO, tại Hội nghị Ngoại trưởng NATO ở Oslo từ ngày 31-5 và 1-6-2023, Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna cho rằng cần đưa ra cho Ukraine một "lộ trình rõ ràng" để trở thành thành viên của liên minh quân sự này, trong khi Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis lưu ý đã tới lúc các thành viên NATO xem xét vấn đề kết nạp Ukraine. Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna thì cho rằng NATO cần xem xét các cách thức để có thể đảm bảo an ninh cho Ukraine. Về phần mình, Ngoại trưởng Tây Ban Nha nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa ra cho Ukraine một "thông điệp chính trị mạnh mẽ" rằng NATO ủng hộ Kiev trở thành thành viên của liên minh.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho rằng NATO sẵn sàng kết nạp thêm thành viên, nhưng không phải là một quốc gia đang chứng kiến xung đột.

Đến nay, NATO chưa chấp thuận đề nghị của Ukraine là sớm được gia nhập liên minh quân sự này do một số quốc gia thành viên cảnh giác với những động thái mà họ lo ngại có nguy cơ đưa khối này tới gần hơn một cuộc xung đột với Nga.

Ukraine dự kiến sẽ đưa ra một "thông điệp rõ ràng" tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở thủ đô Vilnius của Litva rằng Kiev sẽ gia nhập liên minh quân sự này sau khi cuộc xung đột với Nga kết thúc. Ukraine thừa nhận sẽ không gia nhập NATO khi đang xảy ra xung đột trên lãnh thổ nước này, nhưng muốn liên minh quân sự có hành động vượt ra ngoài cam kết đưa ra năm 2008 rằng sẽ kết nạp Kiev vào một thời điểm nào đó. 

Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN