Nga cáo buộc Mỹ tham gia trực tiếp vào xung đột, điều hàng trăm binh sĩ đến Ukraine

31/12/2022 - 05:38

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cáo buộc hàng trăm quân nhân Mỹ đã được triển khai tới Ukraine. Ông cho hay các binh sĩ, cố vấn quân sự và sĩ quan tình báo Mỹ từ lâu đã trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột này.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại cuộc họp báo ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại cuộc họp báo ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh Channel One của Nga hôm 29-12-2022, ông Lavrov đã đề cập rất nhiều đến việc Washington đang ngày càng can dự sâu vào cuộc xung đột ở Ukraine, bất chấp cam kết nhiều lần từ các nhà lãnh đạo Mỹ rằng binh sĩ nước này sẽ không đóng vai trò gì trong cuộc chiến.

“Hàng chục, thậm chí có thể hàng trăm binh sĩ Mỹ đang đồn trú ở Ukraine, họ đã ở đó ngay cả trước cuộc đảo chính”, Ngoại trưởng Nga nói và đề cập đến vụ đảo chính Maidan năm 2014. “Các sĩ quan Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) chiếm ít nhất một tầng trong toà nhà trụ sở Cơ quan An ninh Ukraine”, ông cho biết thêm.

Theo ông Lavrov, hiện có một văn phòng tùy viên quân sự quy mô rất lớn của Mỹ ở Kiev. “Các chuyên gia quân sự này rõ ràng không chỉ đơn thuần là đến thăm Bộ Quốc phòng Ukraine, mà họ bằng cách nào đó còn tư vấn trực tiếp cho quân đội Ukraine đang chiến đấu trên tiền tuyến, thậm chí có thể hơn cả tư vấn”.

Nhà ngoại giao Nga lưu ý rằng những quân nhân Mỹ này có thể không chỉ là cố vấn cho quân đội Ukraine, mà có thể đã đích thân tham gia các hoạt động tác chiến chống lại Nga. Điều đáng chú ý là cách đây không lâu, Lầu Năm Góc cũng tuyên bố sẽ tăng đáng kể quân số Mỹ tại Ukraine. Lý do được đưa ra để giám sát nguồn cung vũ khí do phương Tây viện trợ, ngăn chặn những lô hàng này bị tuồn ra chợ đen.

Trước đó, khi thừa nhận Ukraine đang nhận ngày càng nhiều vũ khí tốt hơn của phương Tây, Ngoại trưởng Lavrov cho biết Quân đội Nga đang xây dựng kế hoạch mới để làm gián đoạn nguồn cung vũ khí và đạn dược từ nước ngoài chuyển tới Ukraine. Ông đồng thời nói thêm rằng “các tuyến đường sắt, cầu và đường hầm” chính là mục tiêu. Ông nói: “Tôi khẳng định rằng họ sẽ đưa ra các quyết định chuyên môn về việc làm thế nào để việc vận chuyển lô vũ khí này trở nên khó khăn hơn, hoặc lý tưởng hơn là ngăn chặn hoàn toàn chúng”.

Ông Lavrov lập luận rằng trên thực tế, các quốc gia phương Tây đã tuyên bố “chiến tranh” với Nga từ gần một thập kỷ trước, ngay sau cuộc cách mạng Maidan năm 2014. Ông cáo buộc Mỹ và NATO đã hỗ trợ quân sự cho chính phủ hậu đảo chính ngay sau đó. 

“Toàn bộ phương Tây, đứng đầu là cường quốc hạt nhân Mỹ, đang gây chiến với chúng ta. Cuộc chiến này đã được chúng tôi tuyên bố cách đây khá lâu, sau cuộc đảo chính ở Ukraine năm 2014”, ông nói.

Hồi đầu tháng 12, ông Lavrov cũng cho rằng Mỹ và NATO đang trực tiếp can dự vào cuộc xung đột ở Ukraine bằng cách cung cấp vũ khí và huấn luyện quân sự cho quân đội Ukraine. Việc huấn luyện quân sự của NATO cho binh sĩ Ukraine được thực hiện trên lãnh thổ Anh, Đức, Italy và nhiều nước khác. Ông nói phương Tây cũng gửi đội ngũ lính đánh thuê cùng thông tin tình báo tới Ukraine.

Theo ông, phương Tây có cơ hội thực sự để tránh xung đột ở Ukraine, nhưng đã chọn từ chối các đề xuất của Nga về ngăn chặn NATO mở rộng cũng như thống nhất quy chế an ninh đặc biệt cho Kiev.

Các nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, đã cung cấp gói hỗ trợ quân sự chưa từng có cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Nga nhiều lần nói rằng động thái này khiến NATO trở thành một bên trong xung đột, dù cả hai bên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tránh đối đầu trực tiếp.

Cho đến nay, Washington đã viện trợ quân sự trực tiếp trị giá hơn 20 tỷ USD cho Ukraine, không tính đến “Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine” riêng biệt và hàng tỷ USD hỗ trợ kinh tế và nhân đạo khác. Giới chức Mỹ cho rằng Washington sẽ duy trì chính sách này, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục viện trợ cho Kiev “chừng nào còn cần thiết”.

Về phần mình, Washington đã nhiều lần phủ nhận kịch bản mà trong đó Nga coi Mỹ là bên trong cuộc xung đột. Bất chấp kêu gọi từ Kiev, Washington đến nay vẫn từ chối viện trợ xe tăng, máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa cho Ukraine vì lo ngại điều đó có thể dẫn đến một cuộc đối đầu trực diện giữa lực lượng Nga với NATO.

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas Greenfield nhấn mạnh: “Chúng tôi không cung cấp bất kỳ loại vũ khí nào cho phép Ukraine tấn công Nga từ bên trong Ukraine. Tổng thống Joe Biden nói rất rõ ràng về điều đó. Chúng tôi sẽ không trở thành một bên tham chiến”. 

Hôm 6-12-2022, Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định Mỹ không khuyến khích cũng như không tạo điều kiện cho Ukraine tấn công vào sâu lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, ông nhắc lại quyết tâm của Washington là đảm bảo Kiev có vũ khí cần thiết để tự vệ.

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin trước đó cũng tuyên bố Mỹ “hoàn toàn không” làm bất cứ điều gì để ngăn Ukraine có được khả năng tấn công tầm xa do chính nước này nỗ lực phát triển. 

Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN