Nga ủng hộ Afghanistan trở thành thành viên SCO

06/06/2024 - 21:13

Nga sẽ hỗ trợ Afghanistan trở thành thành viên chính thức trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) sau khi Taliban được đưa ra khỏi danh sách cấm ở Nga.

Nga quan tâm hợp tác với Afghanistan trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế và tội phạm ma túy. Ảnh: AFP/TTXVN
Nga quan tâm hợp tác với Afghanistan trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế và tội phạm ma túy. Ảnh: AFP/TTXVN

Thông tin trên do ông Zamir Kabulov, Vụ trưởng Vụ châu Á của Bộ Ngoại giao Nga, đặc phái viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin về Afghanistan, cho biết.

Tuy nhiên, ông Kabulov nói rằng khả năng Afghanistan trở thành thành viên SCO không chỉ là vấn đề Nga công nhận Taliban mà còn là vấn đề nền kinh tế của quốc gia Nam Á này. Ông Kabulov nói: “Afghanistan phải đưa nền kinh tế của mình phát triển lên một mức tương đối nào đó để các thành viên còn lại của SCO coi việc gia nhập của nước này là phù hợp”.

Ông Kabulov cũng nói rằng Nga quan tâm đến việc mở rộng hơn nữa hợp tác với Afghanistan trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế và tội phạm ma túy, nhưng xác nhận Moskva chưa thảo luận với các quốc gia Trung Á về vấn đề loại Taliban khỏi danh sách các tổ chức khủng bố.

Đánh giá về triển vọng Afghanistan gia nhập SCO, Georgy Machitidze, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhà nước Moskva (Đại học MGIMO), lưu ý rằng Kabul gia nhập SCO sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại của Afghanistan không chỉ với Nga mà còn với tất cả các nước trong khu vực. Ngoài ra, điều này sẽ tạo điều kiện đưa quốc gia Nam Á này thoát khỏi bị cô lập quốc tế và giúp chính phủ mới ổn định tình hình kinh tế trong nước. 

Chuyên gia trên giải thích: “Chính sách cô lập tiếp tục có thể dẫn đến ảnh hưởng ngày càng tăng của các tổ chức cực đoan xuyên biên giới không chỉ ở Afghanistan mà còn vượt ra ngoài biên giới nước này. Vì vậy, các nước láng giềng phải tương tác với Taliban”.

Theo ông Machitidze, mặc dù Tajikistan vẫn thù địch với ban lãnh đạo mới của Afghanistan, nhưng Nga có thể vượt qua sự phản đối của Tajikistan, đặc biệt là sau vụ tấn công khủng bố nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô thủ đô Moskva, do một nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Trung Á thực hiện.

Chuyên gia này kết luận: Bản thân Afghanistan đang phải gánh chịu các cuộc tấn công khủng bố của IS trong khi chính phủ do Taliban điều hành đã chiến đấu với IS được một thời gian. Chính các nước láng giềng như Tajikistan cũng có nhu cầu hợp tác với Afghanistan.

Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN