Ngăn chặn biển xâm thực, sạt lở khu vực cồn Bửng

11/12/2017 - 08:02

Biển xâm thực, sạt lở đang tiếp cận Khu du lịch cồn Bửng. Ảnh: M. Phương

Phát biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh vừa qua, đại biểu Lê Văn Trung -  Phó chủ tịch HĐND huyện Thạnh Phú cho rằng, tình hình biển xâm thực, sạt lở tại khu vực cồn Bửng, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú xảy ra rất nghiêm trọng, gây mất đất và ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân. 

Phạm vi sạt lở kéo dài trên 10km (dọc theo biển), biển xâm thực sâu vào đất liền trung bình khoảng 100 héc-ta đất sản xuất của 97 hộ dân và có nguy cơ ảnh hưởng đến dự án phát triển du lịch tại cồn Bửng. Thời gian qua, huyện đã phối hợp với nhiều đoàn làm việc của Trung ương và tỉnh tiến hành khảo sát, bàn giải pháp khắc phục nhưng vẫn chưa kết quả. Sở Tài nguyên và Môi trường có đề xuất giải pháp thực hiện, trong đó có kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận cho người dân thực hiện chống sạt lở theo khả năng. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh chủ trì cuộc họp với các ngành, đơn vị liên quan để thống nhất giải pháp về tài chính, về đầu tư và xây dựng nhằm tạo sự bền vững, hiệu quả trong chống sạt lở tại khu vực này. Đến nay, các vấn đề này chưa thấy UBND tỉnh họp bàn để thống nhất, chỉ đạo cụ thể. Hiện vào mùa gió chướng, nguy cơ sạt lở tại khu vực cồn Bửng rất cao.

Ông Nguyễn Hữu Lập - Phó chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “UBND tỉnh luôn quan tâm vấn đề phòng, chống sạt lở trên địa bàn tỉnh, trong đó có sạt lở tại cồn Bửng, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú”. UBND tỉnh đã có tờ trình gửi các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề xuất dự án đầu tư chống xói lở nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh, xin sử dụng nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của cơ quan phát triển Pháp (AFD) để thực hiện, trong đó có đề nghị xây dựng kè chống sạt lở tại khu vực biển cồn Bửng.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã đề xuất UBND tỉnh chấp thuận cho người dân, các đơn vị, tổ chức trong khu vực thực hiện chống sạt lở theo khả năng của từng hộ gia đình, giữ lại phần đất chưa bị sạt lở nhưng không được khôi phục lại diện tích cũ, lấn ra mặt nước biển hiện tại. UBND huyện Thạnh Phú chỉ đạo UBND xã Thạnh Hải, Ban quản lý khu du lịch kết hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng xác định và hướng dẫn người dân phạm vi xây dựng bờ kè.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập cho rằng, sự chậm trễ thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường, do trong khâu phát hành văn bản không có gửi đến UBND tỉnh. Sau đó, UBND tỉnh mới nhận được và ngày 25-11-2017 đã chủ trì cuộc họp với sự tham dự của các sở, ngành tỉnh, UBND huyện Thạnh Phú thống nhất: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thạnh Phú theo chức năng được phân công, hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các đơn vị, tổ chức trong khu vực bị sạt lở tự thực hiện chống sạt lở theo khả năng của từng hộ gia đình, đơn vị để hạn chế và khắc phục tạm thời tình trạng sạt lở tại khu vực này. Đồng thời, đề xuất các giải pháp để UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến về việc khai thác và sử dụng cát bên ngoài đang bồi tụ tại bãi bồi ven biển (cách bờ khoảng 500m) để san lấp chống sạt lở. Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan hỗ trợ, hướng dẫn phạm vi, quy mô xây dựng, kết cấu, quy cách kè chống sạt lở tại khu vực này; quản lý, giám sát chặt chẽ việc xây dựng kè, khai thác và sử dụng vật liệu san lấp của các hộ dân theo quy định (phải sử dụng nguồn vật liệu san lấp hợp pháp) và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về quyết định của mình.

Về lâu dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tìm nguồn vốn sớm triển khai thực hiện đầu tư xây dựng trong thời gian tới, đảm bảo hiệu quả lâu dài.

Trần Quốc (ghi)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN