Ngăn chặn đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài

06/09/2017 - 07:33

UBND tỉnh vừa ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 689/2010 của Thủ tướng Chính phủ “Một số giải pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ” (để thay thế Tổ công tác của tỉnh thực hiện chỉ thị này trước đó). 

Ban chỉ đạo này có nhiệm vụ tham mưu trực tiếp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi, chấm dứt tình trạng tàu cá Bến Tre khai thác xâm phạm vùng biển nước ngoài, thực hiện các nhiệm vụ trong quy định của Chỉ thị số 689 của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, ngày 26-7-2017, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị sơ kết 7 năm thực hiện Chỉ thị số 689. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập yêu cầu các cơ quan chuyên môn (Công an, Bộ đội Biên phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các địa phương), hướng tới cần thường xuyên phối hợp với các đoàn thể, MTTQ các cấp thực hiện giải pháp tuyên truyền để ngư dân chủ động thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam. Song song đó, các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vùng biển quốc tế. Đối với các quy định xử phạt, kiểm soát… chưa phù hợp cần sớm kiến nghị Trung ương xem xét, điều chỉnh để việc đấu tranh, ngăn ngừa các đối tượng vi phạm vùng biển quốc tế đạt hiệu quả tốt hơn.

Theo Chi cục Thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện tổng số tàu cá của Bến Tre hơn 3.900 chiếc, tàu đánh bắt xa bờ chiếm hơn 51%. Tàu cá hoạt động trên tất cả các ngư trường khu vực phía Nam (từ đảo Phú Quý đến vùng khơi phía Nam). Trong đó, vùng giáp ranh giữa vùng biển phía Đông Nam và Tây Nam là ngư trường khai thác chủ yếu của các đội đánh bắt xa bờ. Các ngư trường này giáp ranh với vùng biển các nước Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan.

Mã Phương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN