 |
Các phương tiện đánh bắt bằng lưới cào đơn và các tàu đánh bắt ven bờ bằng các hình thức kém hiệu quả đang được tỉnh xem xét hỗ trợ chuyển đổi. |
Sáng 24-11-2017, Ban Chỉ đạo 689 tỉnh tổ chức tập huấn tuyên truyền Chỉ thị số 689 và Công điện số 732 của Thủ tướng Chính phủ “về ngăn chặn ngư dân Việt Nam thực hiện đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài” cho gần 100 chủ tàu cá ở các xã An Thủy, An Hòa Tây, Tân Thủy (Ba Tri).
Ban Chỉ đạo 689 tỉnh yêu cầu ngư dân tuân thủ nghiêm các
quy định của pháp luật Việt Nam khi tham gia đánh bắt trên biển. Tuyệt đối
không đánh bắt trên vùng lãnh hải của nước ngoài. Trong đánh bắt cần ghi chép hải
trình đánh bắt đầy đủ và báo cáo với ngành chức năng làm cơ sở xác nhận, chứng
nhận nguồn gốc hải sản nguyên liệu đánh bắt. Các cơ quan chuyên môn sẽ hoàn thiện
hệ thống giám sát quản lý tàu cá đánh bắt trên biển và tại các cảng cá. Ngư dân
và chính quyền cùng nỗ lực để Liên minh châu Âu xem xét xóa “thẻ vàng” cho sản
phẩm thủy sản Việt Nam.
Tại hội nghị, ông Cao Văn Viết - nguyên Phó giám đốc Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phân tích hệ quả sản phẩm
thủy sản Việt Nam sau khi bị Liên minh châu Âu “phạt thẻ vàng” (có hiệu lực từ
ngày 23-10-2017) do không thực hiện truy xuất nguồn gốc và vi phạm các quy định
trong Luật IUU (Luật của Liên minh châu Âu về chống các hoạt động đánh bắt cá bất
hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý).
Theo đó, sau khi “dính” thẻ vàng, 100% container hàng thủy
sản của Việt Nam xuất vào thị trường EU đều bị giữ lại ở cửa khẩu kéo dài từ 3
- 4 tuần để kiểm tra truy xuất nguồn gốc khai thác. Không những rắc rối về thời
gian, chi phí kiểm tra khoảng 500 bảng Anh/container, chi phí lưu kho, rủi ro bị
từ chối… đã khiến cho giá thành sản xuất tăng lên khá cao. “Doanh nghiệp bị EU
tăng chi phí nhập khẩu thì người cuối cùng chịu thiệt vẫn là ngư dân. Nguyên
nhân rõ ràng do ngư dân và cả các cơ quan quản lý nhà nước về việc này vẫn chưa
thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về truy xuất nguồn gốc hải sản. Đặc
biệt là ngăn chặn việc ngư dân Việt Nam đánh bắt trên vùng biển nước ngoài” -
ông Viết nói.
Cũng theo ông Cao Văn Viết, Điều 12, Nghị định số
103/2013/NĐ-CP về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản” quy định
mức xử phạt đến 70 triệu đồng đối với chủ tàu, thuyền trưởng cố ý thực hiện
hành vi đưa tàu khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Nếu phát hiện có hành
vi môi giới thì chuyển sang điều tra xử lý hình sự. Cùng với đó, tước bằng thuyền
trưởng thời gian lâu nhất đến 6 tháng. Người chủ động điều khiển phương tiện phải
chịu mọi chi phí đưa thuyền viên bị bắt về nước.
Điều 17, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về “xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn
xã hội…” quy định xử phạt đến 40 triệu đồng và tịch thu phương tiện vi phạm.
Ban Chỉ đạo 689 tỉnh khẳng định sẽ áp dụng các chế tài ở
mức nặng nhất đối với hành vi đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài của chủ
tàu, thuyền trưởng.