Tờ rơi quảng cáo cho vay kiểu “tín dụng đen” được dán ở nhiều nơi. Ảnh: H.Đức
- Sau khi UBND tỉnh có chỉ đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể vào cuộc thì tình hình cho vay nặng lãi bất hợp pháp đang có phần lắng dịu lại. Tuy nhiên, tình hình này vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Một bộ phận người dân cũng còn chưa thấy rõ tác hại của TDĐ. Do vậy, trong thời gian tới, cần biện pháp đồng bộ hơn, quyết liệt hơn để đẩy lùi TDĐ.
Từ đầu năm 2019, ngành ngân hàng đề ra 11 giải pháp. Đó là làm thế nào để vốn ngân hàng được các doanh nghiệp, hộ gia đình, người dân tiếp cận hiệu quả nhất. Các ngân hàng thương mại tiếp tục kết nối doanh nghiệp triển khai các gói tín dụng, mở rộng mạng lưới hoạt động, để vốn tín dụng kích cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
* Những gói tín dụng để người dân có thể tiếp cận?
- Hiện nay, cho vay tiêu dùng được các ngân hàng thương mại chú trọng, chiếm tỷ lệ khoảng 20% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn, tương đương trên 30 ngàn tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước cũng giao cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh triển khai gói tín dụng 5 ngàn tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu tiêu dùng khó khăn, đột xuất. Ưu điểm của gói tín dụng mới này là có mức vay (tối đa) 30 triệu đồng/trường hợp, cho vay tín chấp, lãi suất thấp nhất khu vực nông nghiệp nông thôn (là 6%/năm), cho vay đối với đối tượng ngặt nghèo, khó khăn đột xuất và được giải ngân ngay trong ngày. Gói tín dụng này hy vọng góp phần giải quyết một số nhu cầu vốn tiêu dùng trong nhân dân, đẩy lùi TDĐ.
Mức vay của hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh cũng được tăng từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng, từ 60 tháng lên 120 tháng. Điều này cũng góp phần cho đối tượng vay thuận lợi.
Thời gian tới, để hộ nghèo, khó khăn… có thể nắm rõ thông tin về các gói tín dụng và tiếp cận thuận lợi thì rất cần có sự hỗ trợ chặt chẽ của chính quyền địa phương, các đoàn thể trong giới thiệu các thành viên có nhu cầu vốn vay để giới thiệu Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trường hợp đối tượng vay được xã xác nhận nhưng ngân hàng không giải quyết thì có thể đến trực tiếp Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh để được hỗ trợ thêm.
* Ông có thể đề xuất thêm một số giải pháp để cùng ngành ngân hàng đẩy lùi TDĐ hiệu quả?
- Để đẩy lùi TDĐ hiệu quả cần có giải pháp đồng bộ, chung tay của các ngành, các cấp. Đối với chính quyền, quản lý địa bàn phải sâu sát, nơi có hoạt động tài chính khác, có dịch vụ cầm đồ cũng phải tuân thủ quy định pháp luật. Phía ngành ngân hàng trong quản lý các công ty tài chính, chúng tôi cũng sẽ tăng cường quản lý, đảm bảo hoạt động của các công ty.
Các đoàn thể tăng cường tuyên truyền trong hội viên, nhân dân để thấy tác hại của TDĐ: vay dễ nhưng trả thì khó. Bởi thủ tục ban đầu dễ nhưng lãi suất cao, người vay khó trả được nợ, hệ lụy là gây mất an ninh trật tự địa phương. Các đoàn thể tích cực giới thiệu các thành viên có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu vay vốn chính đáng để các ngân hàng đáp ứng vốn.
Thời gian qua, việc quản lý của chính quyền địa phương đối với các đối tượng cho vay TDĐ đang hoạt động trên địa bàn xã còn lỏng lẻo. Có 6 công ty tài chính đăng ký điểm giới thiệu dịch vụ, chủ yếu cho vay bán hàng trả góp, sau này cho vay tiền mặt nhưng hoạt động còn lập lờ. Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh siết chặt quản lý các đối tượng này, đưa hoạt động của các công ty vào nền nếp. Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng tiếp tục kiến nghị Trung ương giải pháp xử lý, trong đó có thể áp dụng luật dân sự để xử lý để thay cho áp dụng luật tín dụng.
* Xin cảm ơn ông!
Hiện nay, trên địa bàn có rất nhiều ngân hàng, có 9 quỹ tín dụng nhân dân tại 9 huyện, thành phố. Có các công ty tài chính hoạt động, tổ chức tài chính vi mô, các tổ chức tín dụng đoàn thể. Đây là hoạt động tín dụng chính thức và đảm bảo theo quy định pháp luật. |
C. Trúc (thực hiện)