
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Trần Văn Đức giới thiệu sản phẩm dừa Bến Tre.
Duy trì đà tăng trưởng
Mặc dù chịu ảnh hưởng những khó khăn, thách thức của biến động kinh tế trên toàn cầu, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh năm 2023 vẫn duy trì ổn định, với trên 39,1 ngàn tỷ đồng, tăng 7,38% so với năm 2022 và đạt 98,97% kế hoạch năm.
Giá trị sản xuất ngành chế biến dừa năm 2023 ước đạt 3.750 tỷ đồng, tăng 2,74% so với cùng kỳ, chiếm 9,57% so với giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Năm 2023, sản phẩm dừa chủ yếu tăng so với cùng kỳ như: cơm dừa nạo sấy tăng 4,44%… Có 2 sản phẩm sụt giảm so với cùng kỳ là chỉ xơ dừa giảm 2,56%, nước dừa đóng lon giảm 2,27%. So với kế hoạch năm, chỉ có than hoạt tính đạt 100% kế hoạch, các sản phẩm dừa còn lại đạt trên 90% so với kế hoạch.
Hoạt động xuất khẩu của tỉnh tiếp tục được duy trì, nhất là ở các thị trường xuất khẩu chính. Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 ước đạt 1.530 triệu USD, tăng 3,99% so với cùng kỳ và đạt 90% kế hoạch. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu dừa vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ (1,63%), đánh dấu mốc tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu mới với 420 triệu USD và chiếm 27,45% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Một số sản phẩm xuất khẩu chính như: cơm dừa nạo sấy tăng 2,86%, nước cốt dừa tăng 6,96%, nước dừa đóng lon tăng 5,82%. So với kế hoạch năm, chỉ xơ dừa xuất khẩu tăng 5% và than hoạt tính đạt 100% kế hoạch, các sản phẩm dừa còn lại cũng đạt trên 90%. Riêng cơm dừa nạo sấy xuất khẩu chỉ đạt 80,22% so với kế hoạch… Đây là những con số chứng minh cho sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của tỉnh nói chung và của doanh nghiệp (DN) nói riêng trong việc đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường mới…
Năm 2024, là năm thứ tư tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, cũng là năm có tính chất quyết định việc hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ 2020 - 2025, với yêu cầu, nỗ lực rất cao. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế từ 6,5 - 7%. Trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu khoảng 42.500 tỷ đồng, tăng 8,44% so với ước năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.750 triệu USD, tăng 14,38% so với ước năm 2023…
Kỳ vọng năm 2024
Dự báo năm 2024, kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cuộc cạnh tranh của toàn cầu hóa sẽ sàng lọc khắc nghiệt hơn. Hội nhập toàn cầu đang đặt ra vấn đề thách thức cho DN là phải tự suy nghĩ và thay đổi hành động để đáp ứng yêu cầu thị trường.
Trong hoàn cảnh khó khăn chung, cộng đồng DN tỉnh cần phải cố gắng vượt lên và đẩy mạnh liên kết, hợp tác để phát triển. Mỗi cá nhân, mỗi DN có một thế mạnh và cùng phát huy thế mạnh, đúng sở trường của mình để thích ứng, phát triển.
Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Trần Văn Đức cho rằng, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, công nghiệp vẫn được xác định là mũi nhọn đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh trong năm 2024, với nhiều động lực tăng trưởng đã được định hình. Với việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, cây dừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là cây công nghiệp chủ lực của Quốc gia thì tiềm năng phát triển của tỉnh ngày càng rõ ràng hơn.
Cùng với đó, tuyến hành lang ven biển và cầu Rạch Miễu 2 hoàn thành sẽ tạo cú hích phát triển nhiều ngành kinh tế. Trong đó, có các hoạt động công nghiệp chế biến thủy sản và năng lượng tái tạo - vốn được xác định là các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh trong tương lai. Nhiều DN đã triển khai nhiệm vụ ngay từ đầu năm 2024 với kỳ vọng mức tăng trưởng tốt hơn năm 2023 và tạo nền móng vững chắc cho giai đoạn 2025 - 2030 và cả nhiều năm sau này.
KCN Phú Thuận là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo thêm quỹ đất sạch để kêu gọi các dự án đầu tư mới, giải quyết đầu ra ổn định cho các nguồn nguyên liệu tại chỗ của địa phương, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. UBND tỉnh và địa phương sẽ tập trung các giải pháp để bàn giao mặt bằng hạ tầng KCN Phú Thuận cho các nhà đầu tư phục vụ sản xuất, kinh doanh. Để thu hút đầu tư mới vào đây, dự kiến trong quý II năm 2024, tỉnh sẽ tổ chức hội nghị thu hút đầu tư với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Năm 2024, UBND tỉnh sẽ tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, đồng thời đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và phát triển ngành nghề nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động địa phương… Đối với ngành dừa, được nhận định là đang có cơ hội phát triển rất tốt trong tương lai. Ngành dừa tỉnh sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, phát tiển bền vững và là “cây tỷ đô”.
“Trong bối cảnh mới, kỳ vọng DN sẽ ngày càng đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường xuất khẩu với các mặt hàng chủ lực của địa phương, nâng cao hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các DN, phát huy vai trò hiệp hội ngành hàng để nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập nhanh của DN… Qua đó, góp phần cho tỉnh gia tăng kim ngạch xuất khẩu và hướng tới các mục tiêu lớn về phát triển về số lượng DN xuất khẩu, thị trường xuất khẩu và sản phẩm xuất khẩu”.
(Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Trần Văn Đức)
|
Bài, ảnh: C. Trúc