Năm 2018, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã quan tâm hơn về chất lượng sản phẩm, ứng dụng, chuyển đổi thiết bị công nghệ vào sản xuất, huy động thêm nhiều nguồn lực, tích cực phát triển thị trường nên tình hình sản xuất công nghiệp (CN) tiếp tục được duy trì và có bước phát triển khá tích cực. Các chỉ tiêu phát triển ngành đều có sự tăng trưởng khá, một số chỉ tiêu có tốc độ tăng trưởng cao, chất lượng, hiệu quả.
Doanh nghiệp may mặc Mingda Việt Nam xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ và Nhật Bản.
Xuất khẩu ước đạt 961 triệu USD
Giá trị sản xuất CN ước đạt 26.750 tỷ đồng, tăng trên 11% so với cùng kỳ năm 2018. Có nhiều sản phẩm chủ yếu tăng trưởng khá như cơm dừa nạo sấy, chỉ xơ dừa, thủy sản đông lạnh, thức ăn thủy sản, may mặc, bộ dây điện ô tô.
Trong năm, có 49 doanh nghiệp, 92 cơ sở CN - tiểu thủ CN đăng ký phát triển mới, ngành nghề chủ yếu lĩnh vực CN, chế biến nông sản, thủy sản, may mặc, cơ khí. Tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 5.800 lao động.
Tình hình thị trường khá sôi động, lượng hàng hóa dồi dào, phong phú. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 41 ngàn tỷ đồng. Thị trường xuất khẩu tiếp tục giữ vững và mở rộng, từ 105 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2015 lên 118 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu năm 2018 ước đạt 961 triệu USD, đạt và vượt so với chỉ tiêu nghị quyết. Trong đó, nhóm hàng CN, tiểu thủ CN chiếm tỷ trọng cao nhất với 88%, hàng thủy sản đứng thứ hai với tỷ lệ 10%, còn lại là hàng nông sản và một số sản phẩm khác.
Riêng sản phẩm dừa cả năm 2018 dự kiến đạt 215 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm trên 22% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kết quả này cho thấy, mặc dù giá dừa có giảm đáng kể nhưng do sản lượng xuất khẩu các mặt hàng từ dừa tăng, trong đó có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng và thị trường xuất khẩu tiếp tục được giữ vững và mở rộng nên đã kéo theo giá trị kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng.
Về năng lượng tái tạo, đến nay toàn tỉnh có 12 dự án điện gió đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Điện mặt trời cũng có 4 dự án với tổng công suất 140MW. Bên cạnh đó, Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh trình và được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch 1 dự án nhà máy sản xuất hơi điện tại Khu CN Giao Long với công suất 19,4MW. Dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thành phát điện trong năm 2019.
Ông Lê Văn Khê - Giám đốc Sở Công Thương cho biết thêm về 2 nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2018 là phối hợp thực hiện Đề án phát triển Trung tâm dừa Đồng Gò và hỗ trợ liên kết tiêu thụ heo thịt. Theo ông Lê Văn Khê, hiện Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đang phối hợp với Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu hoàn chỉnh lần sau cùng và trình phê duyệt. Dự án này cũng đã được Bộ Công Thương ghi vào danh mục bổ sung vốn trung hạn trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Sở Công Thương cũng đã phối hợp với các ngành, địa phương và Công ty cổ phần VISSAN thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) tiến hành khảo sát đánh giá và đề xuất phương án hợp tác. Kết quả, đã chọn Công ty TNHH MTV Thanh Thêm (huyện Mỏ Cày Nam) kết nối với Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, Công ty cổ phần VISSAN. Các bên đã ký kết văn bản ghi nhớ. Theo đó, phía TP. Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ Bến Tre tiêu thụ khoảng 800 con heo/ngày. Khả năng tiêu thụ hết heo Bến Tre là khả thi.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2019
Theo ông Lê Văn Khê, tình hình thực hiện các chỉ tiêu của ngành năm 2019 là khả quan với sự tăng trưởng khá. Các đơn vị hoạt động hiện hữu duy trì hoạt động ổn định và tăng trưởng khoảng 4 - 5%, đóng góp giá trị sản xuất CN tăng thêm khoảng 1.100 tỷ đồng.
Các dự án đi vào hoạt động năm 2019 sẽ đóng góp mức giá trị sản xuất CN khoảng 1.900 tỷ đồng, cụ thể dự án Nhà máy bia Sài Gòn là 1.000 tỷ đồng và Nhà máy sản xuất túi xách JSB International Vina (Công ty TNHH Vision Products), Nhà máy dệt vải Family Việt Nam, Công ty TNHH Công nghiệp Sigma Việt Nam, Công ty CN dừa Liên Vĩnh Xương, Công ty TNHH thương mại Việt Vương...
Nếu thực hiện đạt chỉ tiêu kế hoạch giá trị sản xuất CN 2019 là 29.750 tỷ đồng thì giai đoạn năm 2016 - 2019, giá trị sản xuất CN sẽ đạt mức tăng trưởng bình quân là 12,7%/năm.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2019 phấn đấu đạt 1.160 triệu USD. Các yếu tố giúp tăng trưởng khá cụ thể như: Công ty Thế Giới Việt (nước cốt dừa, nước dừa) đã mở rộng thêm nhà xưởng, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2019, ước kim ngạch xuất khẩu của công ty tăng thêm khoảng 20 triệu USD. Công ty chế biến dừa Á Châu sẽ xuất thêm sản phẩm nước dừa đóng hộp, dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2019 sẽ tăng thêm khoảng 6 triệu USD. Các sản phẩm nông sản của tỉnh dự kiến trong năm 2019 sẽ tăng thêm khoảng 6 triệu USD...
Ông Lê Văn Khê cho biết thêm, định hướng của Sở Công Thương trong năm 2019 là chọn năng lượng tái tạo làm mũi đột phá cũng như tạo nguồn thu từ sản xuất năng lượng cho ngân sách tỉnh trong những năm tới, Sở Công Thương sẽ thường xuyên phối hợp với các ngành theo dõi, hỗ trợ các dự án về năng lượng tái tạo được triển khai thuận lợi, đúng tiến độ, để đến cuối năm 2019 đầu năm 2020, các dự án đi vào hoạt động và hòa lưới điện quốc gia.
“Cần quan tâm thêm về lao động cho các doanh nghiệp, khu cụm CN mới. Xu hướng của doanh nghiệp về nông thôn sẽ rất nhiều nên các địa phương cần chuẩn bị đất sạch cho các doanh nghiệp. Riêng Khu CN Phú Thuận được xác định là nhiệm vụ then chốt, giúp tăng trưởng CN đột phá trong năm 2019”.
(Ông Đoàn Viết Hồng - Trưởng ban Quản lý các khu CN tỉnh)
|
Bài, ảnh: Cẩm Trúc