Ngành ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất

08/06/2022 - 11:01

BDK - Đồng hành cùng tỉnh trong chương trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế, ngành ngân hàng tỉnh đã chủ động, tích cực triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm ngay từ đầu năm 2022, nhất là tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất… bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế.

Agribank Bến Tre triển khai trong hệ thống cho vay nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Thạnh Phú. Ảnh: C. Trúc

Agribank Bến Tre triển khai trong hệ thống cho vay nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Thạnh Phú. Ảnh: C. Trúc

Trong những tháng đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh đã triển khai trong toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh chủ động nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh (theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19). Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh đã chủ động triển khai các giải pháp thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa thực hiện các biện pháp khắc phục những khó khăn do tác động của dịch bệnh.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh, tính riêng trong tháng 5-2022, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã hỗ trợ cho 656 lượt khách hàng vay, với dư nợ 5 tỷ đồng, thông qua các hình thức cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm, hạ lãi suất; cho vay mới 813 lượt khách hàng để phục hồi sản xuất, kinh doanh, với tổng số tiền 2.646 tỷ đồng; 3 tỷ đồng tiền lãi và gần 3,7 tỷ đồng tiền phí dịch vụ đã được miễn/giảm cho khách hàng.

Lũy kế đến nay, ngành ngân hàng đã hỗ trợ cho 95,4 ngàn lượt khách hàng, với dư nợ là 31,8 ngàn tỷ đồng, trong đó đã hỗ trợ 1.299 lượt doanh nghiệp với tổng dư nợ 9,7 ngàn tỷ đồng, 24.228 lượt khách hàng được cho vay mới để phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng số tiền 38,1 ngàn tỷ đồng; giảm 125,7 tỷ đồng tiền lãi, trong đó tiền lãi đã giảm cho doanh nghiệp 28 tỷ đồng; 57,1 tỷ đồng tiền phí dịch vụ được miễn/giảm.

Vốn tín dụng ngân hàng tiếp tục tập trung cho các nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Doanh số cho vay chỉ tính riêng trong tháng 5-2022 đã đạt 7,5 ngàn tỷ đồng, chiếm 62% tổng cho vay trên địa bàn. Lũy kế từ đầu năm đến tháng 5-2022 đạt 24,3 ngàn tỷ đồng; dư nợ đạt 37,1 ngàn tỷ đồng, tăng 12,2% so với đầu năm, chiếm 72% tổng dư nợ cho vay. Qua đó, cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đang phục hồi nhanh.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bến Tre Lê Công Thành cho biết, để triển khai các chính sách tín dụng kịp thời, hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp về quản lý, điều hành việc cung ứng vốn tín dụng, dịch vụ ngân hàng đối với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo, định hướng các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tham gia đầu tư vốn đối với các cụm công nghiệp, dự án điện gió đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Các chi nhánh ngân hàng thương mại đã chủ động tiếp cận. Song song đó, ngân hàng còn phối hợp với ngành nông nghiệp triển khai tốt các chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó bám sát kế hoạch phát triển 4 ngàn ha nuôi tôm công nghệ cao, cho vay phát triển chuỗi giá trị cây dừa…

Hiện ngành ngân hàng tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/NĐ-CP ngày 20-5-2022 về hỗ trợ lãi suất bằng nguồn ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, ngân hàng còn tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng. Trong đó, tập trung phân loại các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và đánh giá khả năng trả nợ đầy đủ của khách hàng để đảm bảo việc hỗ trợ phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch.

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN