Chăm sóc cúc mâm xôi tại xã Long Thới, huyện Chợ Lách. Ảnh: N. Dừa
Xây dựng nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đoàn Văn Đảnh, trong năm 2023, ngành NN của tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tổng diện tích liên kết chuỗi giá trị đối với cây dừa là 23.747ha, chiếm 30% diện tích dừa toàn tỉnh. Cây ăn trái đặc sản là 998,82ha; cây giống - hoa kiểng là 167ha. Diện tích nuôi tôm công nghệ cao đạt 3.110ha. Toàn tỉnh có 24.640ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP và tương đương. Trong đó, diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ 18.525ha. Tái chứng nhận thành công MSC trên con nghêu với diện tích 4.200ha.
Đến nay, toàn tỉnh có 17 mã số vùng trồng nội địa với tổng diện tích 808,51ha; 43 vùng trồng xuất khẩu (93 mã) với diện tích 705,51ha; 6 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang các thị trường như: Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc, Thái Lan...
Tỉnh đã triển khai xây dựng thí điểm vùng sản xuất tập trung giai đoạn 2021 - 2023 trên các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực. Đến nay đã xây dựng được mô hình thí điểm trên dừa, sầu riêng và bưởi da xanh.
Cụ thể đã triển khai xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa tập trung với diện tích 2.202,69ha. Trong đó có 5 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, diện tích 2.162,69ha; 1 vùng sản xuất dừa uống nước với diện tích 40ha. Đặc biệt trong năm 2023, trái dừa tươi đã nhận được tín hiệu đáng mừng khi 2 thị trường Mỹ và Trung Quốc công bố cho phép nhập khẩu trái dừa tươi.
Xây dựng thí điểm vùng sản xuất tập trung sầu riêng tại xã Tân Phú, Châu Thành với tổng diện tích chứng nhận VietGAP là 76,5ha, trong đó diện tích liên kết đạt 55,7ha giữa Hợp tác xã NN Tân Phú với 2 công ty (Công ty TNHH Green Powers và Công ty TNHH Hoàn Châu - Á Châu).
Riêng ở Châu Thành đã xây dựng mô hình thí điểm vùng sản xuất bưởi da xanh với diện tích 60,8ha (kế hoạch là 50ha). Hỗ trợ xây dựng chứng nhận VietGAP đạt 100% và thực hiện liên kết với Công ty TNHH MTV XNK Trái cây Hương Miền Tây, sản lượng liên kết tiêu thụ khoảng 500 tấn/năm.
Thực hiện hiệu quả các chương trình của ngành
Chương trình OCOP tính đến tháng 12-2023, có 252 sản phẩm được công nhận, trong đó 192 sản phẩm 3 sao, 56 sản phẩm 4 sao, 4 sản phẩm 5 sao. Từ đầu năm 2023 đến nay, các huyện, thành phố đã xét, công nhận 79 sản phẩm đạt OCOP 3 sao (đạt 137,8% kế hoạch).
Doanh nghiệp xuất khẩu dừa trái liên kết với hộ trồng dừa trên địa bàn huyện Châu Thành. Ảnh: Cẩm Trúc
Trong năm 2023, tỉnh công nhận 16 xã nông thôn mới (NTM) (đạt 106,7% kế hoạch), 7 xã NTM nâng cao (đạt 100%), 3 xã NTM kiểu mẫu (đạt 150%). Huyện Chợ Lách đạt chuẩn NTM và TP. Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tính đến tháng 12-2023, tổng số xã đạt chuẩn NTM của tỉnh là 96 xã, 6 xã đạt 15 - 18 tiêu chí, 37 xã đạt 10 - 14 tiêu chí và không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. Trong 96 xã đạt chuẩn NTM, có 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Nhiệm vụ phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) được tập trung tổ chức thực hiện. Số lượng tàu khai tác hải sản có đăng ký là 2.766 tàu. Trong đó, tàu khai thác xa bờ 2.034 tàu. Trong năm, không có tàu khai thác hải sản xâm phạm vùng biển nước ngoài. Công tác tuyên truyền chống khai IUU được tăng cường. Phối hợp với Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh tặng 200 phần quà cho ngư dân và 25 suất học bổng cho học sinh nghèo trong chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” và tuyên truyền về phòng chống khai thác IUU.
Công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được quan tâm. Ngành đã chủ động giám sát, kiểm soát tốt dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; hạn chế không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Đặc biệt, thực hiện kiểm soát tốt sâu đầu đen hại dừa, đã phục hồi 2.051ha dừa bị nhiễm sâu và hạn chế được tình trạng tái nhiễm.
Ngành đã triển khai xác định ranh và cắm bổ sung mốc giới đất quy hoạch lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, với 400 trụ ranh và 20 bảng ranh. Trong năm 2023, đã trồng mới 20,91ha rừng. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 1,83%. Tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2023 tại xã Vĩnh Hòa, huyện Ba Tri.
Công tác thẩm định bình tuyển cây đầu dòng, vườn đầu dòng và nhân giống vô tính bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật đạt nhiều kết quả quan trọng. Đã bình tuyển chứng nhận được 158 cây đầu dòng và 791 vườn cây đầu dòng, 102 vườn dừa mẹ... cung cấp 40 - 50 triệu mắt ghép để ghép thành phẩm 18 - 20 triệu cây giống cung ứng cho thị trường. Trung tâm Giống và Hoa kiểng đã ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật trên cây hoa kiểng và nuôi cấy phôi trên cây dừa nhằm cải thiện nguồn giống cây trồng của địa phương, thay thế dần cách sản xuất cây giống truyền thống hiện nay.
Trong năm, ngành NN tập trung công tác chuyển đổi số trong ngành với 3 nội dung chính: Phát triển nền tảng dữ liệu số NN; triển khai thí điểm các thiết bị giám sát mặt đất phục vụ cho thu thập dữ liệu trong quá trình canh tác; tăng cường triển khai xây dựng nền tảng dữ liệu số và thực hiện các phân hệ phần mềm.
Giám đốc Sở NN&PTNT Đoàn Văn Đảnh cho biết: Sở NN&PTNT đã xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm quản lý an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản, đang kết nối chia sẻ dữ liệu ngành với Trung tâm điều hành thông minh tỉnh (IOC)… Phối hợp với Viễn thông Bến Tre xây dựng và thử nghiệm Hệ thống nền tảng dữ liệu số ngành NN&PTNT gồm 7 phân hệ: Phân hệ Hệ thống dùng chung; Phân hệ Trồng trọt và bảo vệ thực vật; Phân hệ Quản lý lâm nghiệp; Phân hệ Phát triển nông thôn; Phân hệ Khuyến nông và dịch vụ NN; Phân hệ Quản lý thủy lợi; Phân hệ Bản đồ số NN.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 66 nhà máy nước với tổng công suất 9.987 m3/h. Tính đến hiện tại, số hộ sử dụng nước sạch toàn tỉnh là 390.771 hộ, đạt 76,1%. Tính theo số liệu báo cáo của các đơn vị cấp nước, hiện đã vượt chỉ tiêu so với kế hoạch năm 2023. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch khoảng 82,7%, Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch là 79,2%. |
Quang Khởi