Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành phát biểu.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội cho biết: Trong năm 2020, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, xâm nhập mặn nhanh và sớm hơn trung bình nhiều năm, độ mặn vượt mốc lịch sử năm 2016 và kéo dài, cùng với dịch tả lợn Châu Phi và dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân. Mặc dù, đã có sự chủ động trong thực hiện các giải pháp ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trên cây trồng, vật nuôi nhưng kết quả sản xuất nông nghiệp vẫn giảm so với kế hoạch.
Góp ý giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp, đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện kiến nghị: Cần nâng cao diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ; kết nối doanh nghiệp giải quyết đầu ra cho nông sản của địa phương. Thời gian qua, có một số chính sách hỗ trợ nông dân, huyện đã tích cực triển khai thực hiện nhưng cuối cùng không thực hiện được dẫn đến gây bức xúc trong dân. Hướng tới tập trung kêu gọi doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp, tạo quỹ đất sạch thông qua hình thành được khu, cụm công nghiệp…
Kết luận hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cho rằng: Những chính sách của trung ương ban hành nếu thiết thực cho phát triển kinh tế địa phương, phù hợp khả năng cân đối ngân sách địa phương và có hỗ trợ ngân sách của trung ương triển khai mới đạt hiệu quả.
Ứng phó phòng chống hạn mặn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021, cần đẩy mạnh công tác phối hợp, chủ động, kịp thời vận hành các cống ngăn mặn. Về mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ, hướng tới tập trung hoạt động nhân rộng các mô hình đã có hiệu quả. Ngành nông nghiệp gắn với các Hội, địa phương để nhân rộng các mô hình, đồng thời kết nối doanh nghiệp giải quyết đầu ra sản phẩm.
Quan tâm công tác phối hợp trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để đề xuất, tháo gỡ cho địa phương và người dân.
Tin, ảnh: Cẩm Trúc