Ông Lê Văn Hoàng - Giám
đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: “Năm 2015, thông xe cầu Cổ Chiên là sự kiện
quan trọng, nổi bật của tỉnh. Đồng thời, tỉnh cũng đã đưa vào sử dụng hệ thống
các cầu trên Đường tỉnh 883 nối dài, 6 cầu trên Đường tỉnh 884, cầu Phong Nẫm.
Đang khẩn trương thi công cầu Tân Huề, An Qui. Tiếp tục thi công phần còn lại của
đường từ cảng Giao Long đến đường Nguyễn Thị Định; đường tỉnh 883, đoạn từ cầu
Rạch Miễu đến cầu An Hóa; đường Cồn Rừng, huyện Thạnh Phú. Đang chuẩn bị cải tạo,
nâng cấp Quốc lộ 57, đoạn từ phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày, cải tạo nâng cấp
Quốc lộ 57, đoạn từ cầu Ván đến Khâu Băng. Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 60, đoạn từ
cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên; xây dựng 8 cầu gồm: Nguyễn Tấn Ngãi, Đỏ, Bà Lạt,
Hương Điểm, Lương Ngang, Thừa Mỹ, Phú Long, Ba Vát, Ông Bồng”… Từ giới thiệu
khái quát của Giám đốc Sở, tôi quyết định làm một chuyến du xuân trên những
công trình mới.
Từ cù lao
minh…
Tôi trở lại cầu Cổ
Chiên, bắt gặp sự đổi thay rất lớn ở nơi đây. Hai bên tuyến đường các xã Thành
Thới A, An Thạnh (Mỏ Cày Nam), quán sá mọc lên khá nhanh. Có đoạn đường khu vực
dốc cầu Cổ Chiên, đoạn Thành Thới A tập trung đến mấy chục quán ăn uống, giải
khát và các dịch vụ khác.
Chị Nguyễn Thị Thu Anh -
một chủ tiệm tạp hóa ven đường chia sẻ: “Khi nghe tin làm cầu qua đất nhà mình,
tôi không biết có mất hết đất không, rồi lấy đất đâu cất nhà ở nhưng khi dự án
khởi công, tôi được nhận tiền đền bù hơn 1 công đất cũng kha khá và phần đất mặt
tiền còn lại tôi làm tiệm bán tạp hóa, thu nhập nhiều hơn làm vườn trước đây. Cầu
làm xong, cả khu vực này quá sung túc, người dân các tỉnh qua lại tấp nập, giao
thương phát triển thấy rõ”.
Tôi nhớ lúc khánh thành
cầu Cổ Chiên, trong khi chờ làm lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng Phó
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La
Thăng nghiên cứu trên bản đồ các dự án nối tiếp sau cầu Cổ Chiên để có thể
thông tuyến các tỉnh và cho rằng Bến Tre phải tận dụng cơ hội giao thông này tập
trung thu hút đầu tư phát triển kinh tế mạnh hơn, nhanh hơn. Bây giờ không còn
là một tỉnh biệt lập nữa nên nghĩ ngay đến việc phát triển kinh tế vùng, liên kết
với các tỉnh trong khu vực để mở ra hướng phát triển mới, tạo đà khai thác tốt
nhất tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, gắn kết TP. Hồ Chí Minh. Thông xe tuyến Quốc
lộ 60 sẽ tạo điều kiện tốt nhất để Bến Tre phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên,
trên tuyến giao thông này, lưu lượng xe cộ sẽ tăng lên đáng kể khi các tỉnh đồng
bằng sông Cửu Long sẽ “quá giang” Bến Tre đi TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh nên chắc
chắn có khả năng quá tải. Trong tương lai gần, tỉnh cũng phải tính toán đến chiến
lược nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông còn lại, trong đó phải nghĩ ngay đến
phương án bắc cầu Rạch Miễu 2 như đã đề nghị.
Rời cầu Cổ Chiên, tôi
ngược theo Quốc lộ 57 về Thạnh Phú. Mặc dù con đường từ thị trấn Mỏ Cày về Thạnh
Phú là một trong những con đường hẹp nhất trong tỉnh nhưng những ngày này, ai
qua lại cũng rất phấn khởi bởi cầu Tân Huề và cầu An Qui đang khẩn trương thi
công, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2016. Đây là hai cây cầu trước đây được
người dân quan tâm nhiều nhất bởi là cầu sắt, lại hẹp, xuống cấp trầm trọng, xe
cộ qua lại vô cùng khó khăn. Bây giờ, cầu bằng bê-tông cốt thép sừng sững, làm
nức lòng mọi người.
Có lẽ điều dễ gây ấn tượng
nhất vẫn là theo Quốc lộ 57 từ cầu Ván ra tới biển Thạnh Phong, Thạnh Hải - nơi
cuối cùng của tuyến Quốc lộ 57 tới biển Đông. Ngoài con đường này, tỉnh cũng đã
đầu tư làm mới đường ô-tô đến trung tâm các xã An Điền, Thạnh Hải, Mỹ An với
tên gọi đường Cồn Rừng. Các gói thầu thi công đạt trên 60% kế hoạch. Đây là con
đường mà trước đây cũng không người dân địa phương nào nghĩ tới.
Ngược lại Quốc lộ 57,
tôi đến Chợ Lách - vùng thủ phủ cây trái đặc sản của tỉnh. Tuy đường hẹp nhưng
hầu hết cầu trên Quốc lộ 57 đều được xây dựng hóa rộng thênh thang. Cầu Chợ
Lách được bắc song song với cây cầu sắt vốn tồn tại từ mấy chục năm qua. Cầu mới
hiện đại, lên cầu nhìn toàn cảnh có vườn cây trái bạt ngàn, sông nước ghe xuồng
qua lại tấp nập, tạo nên bức tranh vùng đất trù phú, xanh tươi, ấn tượng.
… Đến cù lao
bảo, cù lao an hóa
Đường về Giồng Trôm, Ba
Tri bây giờ rất thuận lợi. Tuyến tránh thị trấn Giồng Trôm được nhiều người gọi
vui là “đường cao tốc của Bến Tre” bởi mức độ “hoành tráng” của nó. Đường tỉnh
887 cũng đã được đầu tư nâng cấp.Ông Phan Văn Hải - một nông dân ở xã Sơn Đốc,
huyện Giồng Trôm hồ hởi nói: “Từ khi có con đường mới, lại có thêm tuyến xe
buýt cố định đi qua, bà con vô cùng phấn khởi. Xưa nay, tôi ít có đi đâu xa mà
bây giờ mấy đứa nhỏ rủ đi TP. Bến Tre, rồi sang Chợ Lách tham quan vườn cây
trái, hoa kiểng, tôi đều không từ chối nữa. Nhà nước quan tâm đầu tư làm cầu,
đường lớn, rồi người dân cũng cùng góp sức xây dựng nông thôn mới làm tôi phấn
khởi vô cùng. Tôi mong sao sức khỏe còn tốt để nhìn những thay đổi của quê
mình”.
Tôi nhớ có một ai đó nói
rằng “Thị xã bây giờ vẫn nhỏ như lòng bàn tay”. Vâng, đó là của nhiều năm về
trước, còn bây giờ TP. Bến Tre đã vươn lên đổi thay từng ngày. Hiện tại, TP. Bến
Tre có nhiều tuyến đường thông thoáng, rộng hơn, nối liền với các huyện. Thành
phố mở rộng theo hướng Nam đã có cầu Bến Tre, cầu Mỹ Hóa thông tuyến theo Đường
tỉnh 887 về Giồng Trôm. Có tuyến tránh trung tâm thành phố, về hướng Tây có đường
Võ Nguyên Giáp đi cù lao Minh, hướng Đông Bắc có đường Nguyễn Thị Định đi cù
lao An Hóa. Đây là tuyến đường khá hiện đại, rộng lớn vừa đưa vào sử dụng, đã mở
rộng hướng Đông Nam thành phố kết nối với cầu Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm cũng
vừa đưa vào sử dụng. Có lẽ tuyến đường Nguyễn Thị Định đến cảng Giao Long nối
dài theo Đường tỉnh 883, đoạn khu công nghiệp đang mở rộng cùng với toàn tuyến
khu vực huyện Bình Đại ra biển Đông hoàn chỉnh với 10 cầu đã tạo ra sức bật mới
cho giao thông Bến Tre.
Một chuyến đi với nhiều
cảm xúc, Tôi chợt nhớ lại thông tin mà Giám đốc Sở Giao thông vận tải chia sẻ
trước đây: “Ngành đang vận động khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để khởi
công dự án đầu tư, nâng cấp Quốc lộ 60, đoạn từ cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên
theo hình thức BOT”.