|
Tổ đan ghế nhựa của chị Trần Thị Trúc Ly khẩn trương hoàn thành sản phẩm giao cho công ty. Ảnh: T. Dũng |
Nhờ có nghề đan ghế bằng dây nhựa, mấy năm nay, nhiều lao động ở xã An Ngãi Trung (Ba Tri) có thêm việc làm, thu nhập ổn định.
Chị Trần Thị Trúc Ly, ấp An Định II, An Ngãi Trung là người tiên phong mang nghề này về xã. Ban đầu, cuộc sống gia đình chị gặp khó khăn, khi có con lại càng khó khăn hơn. Nếu một mình chồng làm nuôi cả gia đình thì không thể nào vươn lên khá giả, năm 2008, chị tham gia học nghề đan ghế nhựa do Hội Phụ nữ tỉnh Bến Tre phối hợp với Hội Phụ nữ xã tổ chức. Sau khi học xong, chị nhận hàng gia công từ Công ty Lê Tấn (huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) về gia công và phân phối lại cho các chị em trong xã cùng làm. Ban đầu, chị em đã lành nghề đến đăng ký nhận khung và dây về nhà làm, còn với chị em chưa biết đan thì chị tận tình hướng dẫn, với mong muốn tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho chị em. Hiện nay, Tổ đan ghế của chị Ly đã tạo được việc làm thường xuyên cho từ 80 đến 150 lao động tại địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 50.000 đến 70.000 đồng/người/ngày.
Nghề đan ghế nhựa khá đơn giản và tiện ích. Sau 10 ngày học, chị em có thể nhận hàng (dây nhựa, khung ghế) về nhà đan gia công. Giá đan ghế từ 50.000 - 70.000 đồng/chiếc tùy loại. Người đan giỏi có thể đan 3 chiếc/ngày. Thu nhập bình quân từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng. Nghề đan ghế nhựa không chỉ có nữ mà nam cũng tham gia, người lớn tuổi hay trẻ em đều làm được.
Nhờ sự tỉ mỉ, khéo tay của người lao động, nên các sản phẩm ghế do Tổ làm ra được đánh giá cao. Hàng tháng, Tổ gia công hoàn thành sản phẩm giao cho Công ty Lê Tấn trên 1.000 cái ghế các loại.
Hiện nay, mô hình Tổ đan ghế nhựa đã được nhân rộng ra nhiều địa phương khác. Cùng với nhiều mô hình như: tách vỏ hạt điều, đan giỏ lục bình, đan thảm vải..., mô hình đan ghế nhựa hiện đang giúp nhiều lao động nông thôn tại huyện Ba Tri có điều kiện phát triển kinh tế, có cuộc sống ổn định.