Nghề dệt thảm tre ở Phú Phụng

09/11/2011 - 07:53

Không có tên trong danh sách hộ nghèo của xã Phú Phụng (Chợ Lách) trong năm nay, niềm vui của chị Đinh Thị Hừng (ấp Chợ) còn lan sang những gia đình khác. Bởi nghề dệt thảm tre (chị qua tận Vĩnh Long học từ năm 2005) chẳng những giúp gia đình chị thoát nghèo mà còn góp phần tạo thu nhập cho nhiều chị em trong xã.

Chị Hừng cho biết, ban đầu, việc dệt thảm tre gặp nhiều khó khăn, do chị chỉ đủ tiền mua một máy dệt, nguyên liệu chưa ổn định. Tích góp, chị mở rộng dần và mua được 4 máy dệt thảm để cả nhà cùng làm. Sau vài năm, thấy gia đình chị làm được việc nên nhiều chị em trong xóm cũng bắt đầu học nghề. Nắm bắt nguyện vọng của chị em, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Phú Phụng vào cuộc và tạo điều kiện để mở rộng nghề đan thảm tre. Theo chị Huỳnh Lệ Thu - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Phụng, khi có sự hỗ trợ của Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn (DBRP Bến Tre), từ năm 2009, Hội LHPN xã đã thúc đẩy việc hình thành các nhóm hợp tác trong giới nữ, đặc biệt là những hộ nghèo, cận nghèo. Theo thiết kế của Dự án, phụ nữ là một trong những đối tượng được ưu tiên đầu tư và điều này rất có ý nghĩa với chị em ở xã Phú Phụng. Các nghề như đan giỏ mây, kết cườm, dệt thảm tre vốn đã có trước đó như được tiếp thêm sức mạnh. Các lớp tập huấn hướng dẫn làm nghề một cách bài bản, cách quản lý công việc sao cho hiệu quả hơn đã được thực hiện theo yêu cầu thực tế của từng nhóm. Nhờ vậy, việc phát triển nhóm và nguồn thu nhập của chị em cũng được nâng lên. “Vừa làm công việc nhà, vừa tranh thủ dệt thảm, mỗi tháng chị em cũng kiếm thêm được từ 1-1,5 triệu đồng” - chị Hừng cho biết. Bây giờ, chị Hừng là Tổ trưởng Tổ dệt thảm tre của xã và cơ sở của chị cũng là điểm mở lớp hướng dẫn nghề dệt thảm tre cho chị em có yêu cầu. Điều thú vị là mỗi người học nghề tại tổ lại tiếp tục giúp thêm từ 1 đến 2 lao động nhàn rỗi khác trong gia đình để có công ăn việc làm từ việc dệt thảm này.

Để làm thảm tre, người dệt phải có máy dệt. Cũng theo chị Huỳnh Lệ Thu, chị em rất muốn được vay vốn để mở rộng nghề, đồng thời có vốn để chủ động hơn về nguyên liệu. Nhưng đa số chị em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và nhiều người đã cầm sổ đất ở ngân hàng hoặc không có đất nên không thể vay thêm vốn.

Khó khăn này không phải chỉ riêng của phụ nữ Phú Phụng mà là tình trạng chung của những hộ nghèo hiện nay. Khó khăn này sẽ cơ bản được giải quyết thông qua nguồn vốn 400.000 USD của Dự án DBRP được giao cho Hội LHPN tỉnh quản lý (theo thỏa thuận sau đợt đánh giá giữa kỳ, vào tháng 6-2011). Tại cuộc họp với Văn phòng Ban Quản lý Dự án các huyện mới đây, ông Nguyễn Trúc Sơn - Giám đốc Dự án DBRP Bến Tre cho biết, nguồn vốn này sẽ có tên gọi là Quỹ Phát triển nhóm, nhằm tạo điều kiện cho các nhóm phát triển về chiều sâu, đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực và đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững.

H.T.L.T

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN